Tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo
Trong những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, khó khăn về nguồn vốn sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông qua nguồn vốn này, các hộ dân đã có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng được các mô hình kinh tế bền vững...
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay
Lên huyện mới Ia H’Drai lập nghiệp với bao khó khăn, vất vả, việc thiếu vốn lẫn phương thức sản xuất lạc hậu khiến gia đình chị Nguyễn Thị Thúy dù có đất đai, nhưng đành bỏ không.
Năm 2014, nguồn vốn vay ưu đãi đến được với người dân nơi huyện biên giới nghèo, gia đình chị mạnh dạn vay 62 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Từ suy nghĩ thoát khỏi thế độc canh của cây cao su, gia đình chị lựa chọn mô hình trồng tiêu trên trụ sống. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay, gia đình chị Thúy đã có một vườn tiêu xanh tốt với 150 trụ, bắt đầu cho thu bói và 1ha điều.
Bên cạnh đó, việc nuôi thêm cá, gà, vịt không chỉ cung cấp thực phẩm cho gia đình chị mà còn giúp tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thúy cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, không chỉ thoát được nghèo khó mà chúng tôi còn tạo lập được mô hình kinh tế bền vững, cho thu nhập lâu dài. Nhờ đó, đời sống được nâng cao, con cái được ăn học đầy đủ.
|
Gia đình ông A Thắng, thôn Đăk Kinh 2, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông cũng là một ví dụ, sau khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sử dụng đầu tư trồng sâm đương quy; cộng với việc được cán bộ ngân hàng hướng dẫn sử dụng nguồn vốn, đến nay, trên 3 sào đất, mỗi vụ sâm mang đến cho gia đình ông thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng.
Tiếp tục mang nhiều nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo
Mặc dù là tỉnh nghèo, thu ngân sách hàng năm còn nhiều khó khăn, nhưng với mong muốn tất cả hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo động lực để vươn lên thoát nghèo, phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh vẫn đảm bảo nguồn vốn vay đến được với các hộ nghèo, hộ khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 15 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt 2.072,1 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 2.055 tỷ đồng, số còn lại là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương.
Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ, cấp bù lãi suất đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, giảm bớt khó khăn trong việc trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương tập trung huy động các nguồn lực vốn vay của Trung ương và địa phương; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ huy động vay vốn, tổ chức tín dụng có sự tham gia của chính quyền địa phương. Đặc biệt, tổ chức lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách và nguồn vốn sự nghiệp từ các chương trình khuyến nông, khuyến ngư… nhằm mang đến cho người nghèo nguồn vốn kịp thời để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Quang Thái