Thương lái lùng mua cau non - hiện tượng lạ hiếm gặp
Dù không biết cau non có công dụng gì đặc biệt, nhưng gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng thương lái săn lùng để mua rồi xuất bán sang Trung Quốc.
Dù trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei số lượng hộ trồng cau không nhiều, chỉ một số ít trồng rải rác xung quanh nhà chủ yếu để làm cảnh, nhưng thương lái vẫn lùng mua. Những ngày này, từng tốp thương lái ở Gia Lai chạy xe máy ùn ùn kéo lên các xã biên giới thuộc 2 huyện này để lùng mua cau non.
Một ngày cuối tháng 9 vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận giáp ranh huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô thì bắt gặp “phi đội” 6 người đang đi lùng mua cau. Những người này đi xe máy, trên xe chở đầy ắp cau. Đáng chú ý, phần lớn cau những người này thu mua đa phần là cau còn non.
Bắt chuyện với người tên L (trú tại tỉnh Gia Lai), người này cho biết, anh vừa cùng nhóm của mình vào xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) mua cau về. Trong ngày anh mua được 30kg cau tươi. Giá thu mua tùy loại, nhưng giá dao động từ 18.000 đến 24.000 đồng/kg.
|
“Chúng tôi đi mua khắp nơi. Ngày nào cũng đi. Mới đầu cau nhiều thì thu mua trong địa phận tỉnh Gia Lai. Sau đó “khát hàng” nên để có hàng đóng nhập đi thì phải chịu cực chạy hàng trăm cây số lên khu vực Bờ Y mua. Cứ sáng đi, chiều mua xong thì chạy về. Gom cau khoảng 3 ngày rồi đóng gửi về Đà Nẵng rồi xuất sang Trung Quốc. Tôi không biết họ mua làm gì, chỉ thấy họ mua giá cao thì tôi đi thu gom về bán lại thôi”- ông L nói.
Cũng theo các thương lái, do không biết ở đâu trồng nhiều cau nên họ cứ đi dạo, khi thấy nhà nào có cau là vào hỏi mua, miễn sao mua được càng nhiều càng tốt. Những người trồng cau khi thấy cau được mua giá cao thì họ bán tất chứ cũng chẳng biết thương lái mua làm gì.
Đến xã Bờ Y tìm hiểu, chúng tôi vào nhà ông Tập hỏi mua cau, ông Tập lắc đầu: “Bán gần hết rồi còn đâu”. Theo ông Tập, vừa rồi gia đình ông bán hơn 1 tạ cau với giá 20.000 đồng/kg. Người đến mua có nhiều tốp. Có tốp đi xe máy, có tốp đánh cả xe ô tô đi mua.
Họ đến nhà ông lân la năn nỉ gạ mua. Khi ông gật đầu là họ trèo lên cây hái tuốt tuồn tuột. Nhiều buồng cau non chẹt thương lái cũng hái hết. Ông Tập thắc mắc sao lại hái cả cau non nhưng thương lái bảo loại nào cũng mua. Thậm chí thương lái còn nhờ gia đình ông Tập chỉ thêm nhà có cau cho họ đến mua.
Trong khi đó, nhiều hộ dân khác khi được hỏi thì cho biết cũng bắt gặp nhiều tốp đến mua cau. Giá được các thương lái chào mời cao nhất 25.000 đồng/kg. Với người dân, họ cũng không tính toán và tìm hiểu thương lái mua làm gì mà chỉ cần được giá là bán.
Người dân xưa nay chỉ biết cau được dùng cho các lễ cưới hỏi hoặc cho người lớn ăn với trầu. Tuy nhiên loại cau được chọn là cau già, nhưng thời gian qua thấy thương lái mua cau cả già lẫn non khiến họ rất nghi ngờ. Cũng vì thấy thu mua cau giá cao nên nhiều người dân cũng có ý định chuyển đổi sang trồng cau.
Ông Tống Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, chưa nghe thông tin thương lái các nơi đến địa phương thu mua cau non. Nhưng theo ông, chính quyền sẽ tích cực tuyên truyền và khuyến cáo người dân không vì thấy người ta lùng mua cau giá cao mà ồ ạt chuyển sang trồng cau...
Phúc.Nguyên