Thực phẩm nhà làm lên ngôi
Khi cuộc sống trở nên bận rộn; khi người người, nhà nhà lo lắng với vấn nạn thực phẩm bẩn thì thực phẩm nhà làm (nói theo kiểu Tây hóa của ngôn ngữ mạng là thực phẩm hand make (làm thủ công, tự làm bằng tay)) đã lên ngôi.
Dịp Trung thu vừa rồi, chị Đ – đang công tác ở một cơ quan Nhà nước của tỉnh sau ngày đi làm, tối về lại loay hoay làm bánh để bán.
Chị kể rằng, phải học hỏi cách làm, từ nấu nước đường, làm nhân, bột… rồi sau vài lần làm thử để kiểm tra về chất lượng chị mới chụp ảnh, quay lại clip các công đoạn làm bánh đăng lên trang cá nhân facebook, zalo… Chị còn đem bánh giới thiệu với một vài người quen để thẩm định về mặt chất lượng cũng như giới thiệu thêm.
Vậy là, người nọ nói người kia, riêng dịp Trung thu vừa rồi, chị đã bán được hơn 200 chiếc bánh Trung thu tự làm, từ bánh dẻo, bánh nướng đủ các loại nhân cho đến cả bánh phục vụ cho những người bị bệnh tiểu đường.
Chị nói rằng, so với bánh Trung thu ngoài thị trường thì bánh do tự tay chị làm giá cả có phần cao hơn. Vì bên cạnh ngon, bổ thì yếu tố chị hết sức quan tâm là sạch. Vì vậy, không chỉ chọn mua nguyên liệu sạch, thay vì dùng màu thực phẩm, chị còn cho lên màu, dậy mùi bằng các nguyên liệu tự nhiên nên vừa mất nhiều thời gian vừa tốn thêm chi phí.
Và không chỉ trong dịp Trung thu này, bình thường trong năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, chị còn làm thêm bò khô, gà khô, kim chi, mứt các loại.
“Lúc đầu cũng chỉ là tìm tòi để thỏa mãn sở thích và đam mê nấu nướng, dần dà, tôi thấy trên các trang mạng xã hội nhiều người cũng làm, rao bán các sản phẩm tương tự nên làm theo. Có thể sản phẩm tôi tự làm không đẹp bằng mua sẵn nhưng yên tâm về chất lượng nên khá nhiều người – đặc biệt là dân công sở tìm mua” – chị Đ nói.
Không đi sâu vào những món ăn phục vụ nhiều vào các dịp lễ, tết, chị H- giáo viên một trường trên địa bàn thành phố Kon Tum chuyên về những thực phẩm tươi sống hàng ngày đã 3 năm nay.
|
Chị H làm từ hến, ốc, cua đồng giã cối, các loại cá được nạo phi lê hay xay để làm chả cá cho đến chả ram cuốn sẵn (nếu khách có nhu cầu chị còn chiên sẵn bỏ hộp), bánh tai vạc, nước ép chanh dây, chả thủ… Chị làm xoay vòng, hôm nay món này, mai món khác như kiểu đổi thực đơn cho khách nên lượng khách khá ổn định.
Theo chị H, khi trò chuyện, nhiều người kể rằng thích ăn cua đồng nấu canh, thích làm ốc um chuối, chả cá chiên… mà không có thời gian; ra chợ mua lắm lúc không yên tâm lắm… Nắm bắt được nhu cầu cộng tâm lý lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm ấy nên chị tranh thủ thời gian làm những món ít tiền mà tốn công này để phục vụ mọi người.
Chị H, chị Đ và rất nhiều người bán các loại thực phẩm nhà làm cho rằng, vì quy mô nhỏ lẻ, bán chủ yếu qua mạng hoặc qua giới thiệu của người quen nên cũng có những khó khăn nhất định. Khó vì còn ít người biết thông tin và mới đầu sẽ ít được tin tưởng. Tuy nhiên, khi đã lấy được niềm tin từ khách hàng thì mọi việc trở nên dễ dàng. Bởi vậy, việc lựa chọn nguồn nguyên liệu kỹ, quá trình làm cẩn thận, sạch sẽ, không bỏ chất bảo quản, phẩm màu… , đúng như làm cho nhà mình ăn luôn được người làm chú trọng. Để lấy lòng tin, những người bán hàng còn chụp ảnh, quay clip chế biến để chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Nhiều người có thêm thu nhập nhờ vào kiểu bán hàng này.
Kiểu bán - mua này chủ yếu là tin tưởng nhau. Bên bán không đưa ra được chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận sản xuất (vì số lượng cũng không phải là lớn). Bên mua sau một vài lần sử dụng (bắt nguồn từ người thân quen giới thiệu) cũng nhận xét rằng, dù không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng nhưng vẫn lựa chọn vì tin tưởng. Quá trình bán – mua, khách phản hồi, người bán tiếp thu có chọn lọc để có những thay đổi cho phù hợp.
Có thể nói, tiện lợi chính là thế mạnh đặc biệt của thực phẩm nhà làm hiện nay. Tuy nhiên, không phải mọi lựa chọn đều hợp lý, vì đây đó vẫn còn tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”; hơn nữa, sạch, an toàn hay không cũng chưa được cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm. Bởi vậy, dù có được giới thiệu là nhà làm thì người mua cũng nên tìm hiểu, lựa chọn các địa chỉ có uy tín, tránh tiền mất tật mang!
Bình Toàn