Thu nhập cao từ liên kết trồng rau an toàn
Sau 10 tháng hoạt động, Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Chi hội phụ nữ khối 1, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đã đem lại hiệu quả, giúp các thành viên có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Để tạo cơ hội, giúp đỡ chị em cùng phát triển kinh tế, tháng 6/ 2017, được sự hướng dẫn của Hội LHPN các cấp, Chi hội phụ nữ khối 1, thị trấn Đăk Tô đã bàn bạc, thành lập Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với 7 thành viên, diện tích gieo trồng khoảng 1,5ha. Chỉ sau 10 tháng, Tổ liên kết đã phát triển lên 10 thành viên, nâng diện tích lên 2,5ha.
Sáng sớm, vợ chồng bà Lê Thị Vui ở khối 1, thị trấn Đăk Tô đã có mặt tại vườn rau, cắt ngò gai đi bán. Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia, bà Vui không giấu được niềm phấn khởi: Từ ngày tham gia vào tổ liên kết, sản phẩm rau an toàn bán rất chạy mà giá cả cũng ổn định. Nhà tôi trồng 1 sào ngò gai, lấy công làm lời, bình quân mỗi tháng thu về 15 triệu đồng.
Không riêng bà Vui, dẫn chúng tôi ra xem vườn bí đỏ xanh tốt, thành viên Trần Thị Khuyên vui mừng khoe, mỗi tháng thu được ít nhất 10 triệu từ việc bán đọt, quả bí đỏ.
Nghề trồng rau gắn bó với chị Khuyên từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo lời chị, khi chưa tham gia vào tổ liên kết, việc bán sản phẩm rất khó, giá cả bấp bênh, không ổn định, có mùa bội thu nhưng cũng có mùa khóc ròng. Từ ngày tham gia vào tổ liên kết, được sự chia sẻ của nhiều chị em, các cấp hội, vườn bí đỏ của chị được nhiều người biết đến là an toàn, không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật nên đầu ra cho sản phẩm rất ổn định.
“Nếu ngày trước 1 sào tôi bán được khoảng 5 triệu thì bây giờ bán được 7-8 triệu. Đặc biệt, nay không phải ra chợ bán từng mớ rau, mỗi ngày, tôi đều nhập về cho các mối ở huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô…. Việc buôn bán khỏe hơn rất nhiều” – chị Khuyên phấn khởi.
Với mục đích đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và tạo hiệu quả kinh tế cao, sau khi thành lập, các thành viên trong tổ liên kết đã được Hội LHPN huyện Đăk Tô phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn về kĩ thuật trồng các loại rau an toàn. Không chỉ thế, trên diện tích đất của mình, các thành viên cũng bàn bạc, thảo luận, chọn trồng các loại rau phù hợp.
|
“Không để xảy ra tình trạng trồng ồ ạt một loại rau, gây khó cho đầu ra, trước khi xuống giống, chúng tôi họp, để các thành viên nêu ý kiến, chọn trồng loại rau “sở trường”. Hộ trồng bí, hộ trồng ngò, ớt… dàn trải, ít cạnh tranh nên sản phẩm không kịp để bán” – cô Bùi Thị Mai – Tổ trưởng tổ liên kết chia sẻ.
Không chỉ được giới thiệu, hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt, tham gia vào tổ liên kết, chị em còn được các cấp hội tổ chức cho tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng rau sạch, rau an toàn ở Măng Đen (huyện Kon Plông). Cùng với đó, được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các thành viên còn tham gia giám sát quá trình trồng, đảm bảo việc sản xuất sạch, uy tín cho tổ liên kết.
Với những hiệu quả thiết thực, các thành viên đã chủ động mở rộng thêm diện tích để đem lại hiệu quả kinh tế. Như chị Khuyên, từ một vài sào trồng bí, nay chị đã mạnh dạn cải tạo, nâng diện tích lên 7 sào. Và chỉ sau 10 tháng kể từ ngày đi vào hoạt động, mô hình tổ liên kết trồng rau an toàn của chi hội phụ nữ khối 1 đã thu hút thêm 3 thành viên tham gia, nâng diện tích gieo trồng lên 2,5ha.
“Tổ đã họp, phổ biến hình thức hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm để các thành viên mới vào sản xuất được hiệu quả. Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín cho tổ liên kết. Trong thời gian đến, phát huy những kết quả đạt được, tổ sẽ tiếp tục nhân rộng, thu hút thêm các thành viên tham gia” – cô Mai cho hay.
Bình An