Thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Kon Tum: Tín hiệu khởi sắc
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh, thu hút đầu tư vào địa bàn đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2018, tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực được đặc biệt quan tâm này cho chúng ta thêm niềm tin vào khả năng khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Tháng 4/2007, Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 02 về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020.
“Quán triệt, triển khai Nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để thực hiện, trọng tâm là xác định một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá đối với từng vùng kinh tế động lực nhằm tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu, tạo sự thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cùng với chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư; đồng thời phát huy hiệu quả cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tạo đầu ra cho nông sản; hướng tới hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ mang lại giá trị cao.
|
Theo ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã thu hút khoảng 260 dự án đầu tư, trong đó 240 dự án vẫn còn hiệu lực với tổng nguồn vốn đầu tư trên 50 ngàn tỷ đồng. Không chỉ đảm bảo thực hiện ở mức tối đa cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, tỉnh và các địa phương còn chủ động, tích cực áp dụng chính sách đặc thù khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư.
Tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 200 doanh nghiệp, chiếm 2/3 tổng số doanh nghiệp đăng ký và gần 1.700 hộ cá thể đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; góp phần giải quyết việc làm cho 2.700 lao động, nộp ngân sách nhà nước bình quân 53 tỷ đồng/năm.
Huyện Kon Plông thu hút 95 dự án đầu tư, triển khai trên tổng diện tích 6.370ha với tổng vốn đăng ký 8.600 tỷ đồng. Trong đó, có 44 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (12 dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp), 26 dự án đầu tư vào du lịch...
Riêng năm 2017, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 46 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 1.211 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đã góp phần làm thay đổi ba vùng kinh tế động lực và tạo sức lan toả đến các vùng trong tỉnh.
Năm 2018, thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực của tỉnh hứa hẹn có nhiều khởi sắc, tín hiệu vui. Danh mục 71 dự án kêu gọi đầu tư và 28 dự án tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1176/QĐ- UBND. Trong đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch có số lượng được tập trung nhiều nhất, với 48 dự án. Bên cạnh đó, còn có 15 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, trong năm nay, vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum không chỉ đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và tập trung tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; mà còn cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tiếp tục triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến tránh trên đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum như Quốc lộ 24, các tuyến đường dọc kè sông Đăk Bla và những vị trí thuận lợi để tạo nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp với UBND thành phố Kon Tum và các ngành chức năng giúp nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để tổ chức khởi công cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu tại Cụm công nghiệp Sao Mai. Vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khu vực biên giới trao đổi, giao thương hàng hóa; kết nối và hình thành các tour, tuyến, du lịch giữa Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với thành phố Kon Tum và Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Song song với tiếp tục đầu tư hạ tầng và khai thác quỹ đất để thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chuẩn bị chu đáo các điều kiện để khởi công Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trong tháng 4/2018. Vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông tăng cường quảng bá, tiếp tục thu hút đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Trong đó, phải kể đến Tập đoàn VinGroup với dự án sản xuất nông nghiệp sạch với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, các dự án phát triển dược liệu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...
Năm 2018 hứa hẹn sự khởi sắc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh với những nhà đầu tư tiềm năng đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Úc... Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh cũng là điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực của tỉnh trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà