Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay
Làng Kleng, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) có gần 50 hội viên phụ nữ nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi bò, phát triển sản xuất đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.
Chị Y Mơ – Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kleng kể: Dù trong nhà, người đàn ông vẫn là lao động chính, nhưng công việc ruộng rẫy, chăn nuôi cho thu nhập chưa ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, đất trồng và các loại giống cây, con. Thế nên, thông qua các tổ chức đoàn thể địa phương, các phòng, ban về cơ sở tuyên truyền, một số chị đã mạnh dạn vay vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò. Năm 2010, tôi đã đi đầu vay 15 triệu đồng mua cặp bò lai; sau đó sắp xếp thời gian hợp lý cho các thành viên trong nhà chăn thả và chăm sóc hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Dần dà qua các năm, cặp bò sinh sôi tăng thêm 4 con. Đây là nguồn thu “để dành” cho việc trọng đại gia đình như mua sắm xe công nông và đầu máy cày chuyên chở, cày đất thuê cho bà con để tăng thêm thu nhập, tích lũy vốn làm ăn lâu dài.
|
Với cách làm “tích lũy nhỏ thành lớn” của chị Y Mơ, nhiều chị em như Y Jỏi, Y Giữ, Y Chưnh, Y Mỹ đã học hỏi kinh nghiệm, đăng ký vay 20 - 30 triệu đồng mua bò chăn nuôi. Chị Y Giữ chia sẻ: Gia đình tôi có 6 khẩu, nguồn thu nhập chính trông chờ từ 3ha mỳ cho thu nhập 15 – 20 triệu đồng/năm/ha (nếu trúng mùa). Năm 2012, khi được Hội Phụ nữ thôn đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Sa Thầy, tôi đã được chị Mơ tư vấn mua bò. Công việc chăm sóc 2 con bò nhỏ ban đầu do mẹ tôi và cậu con trai đảm nhận; vợ chồng tôi lo chuyện cắt cỏ, quét dọn chuồng nuôi nhốt gia súc hàng ngày. Có việc làm thêm, con trai cũng bớt đi chơi rông và ở nhà nhắc nhở 3 em nhỏ học bài...
Theo chị Y Giữ, mỗi thành viên trong gia đình đều có công việc hàng ngày, nên mỗi năm phần dư là đàn bò 5 con (có năm bò mẹ sinh đôi). Năm 2013, hết kỳ hạn vay vốn, chị đã bán 1 con bò lớn được gần 25 triệu hoàn trả toàn bộ nợ vay.
Cũng thoát nghèo vươn lên từ vốn vay xóa nghèo, chị Y Jỏi nói: Hai vợ chồng tôi lập nghiệp gần 14 năm vẫn là hộ nghèo. Nhờ được vay 20 triệu đồng, tôi mua bò và hằng tháng trả lãi bằng tiền công làm rẫy cao su cho các hộ khác trong thôn. Vợ chồng tôi chăm bẵm 2 con bò đầu tiên, sau gần 4 năm cộng thêm thu nhập từ 4ha mỳ, gia đình tôi có gần 10 con bò. Vừa qua, vợ chồng tôi đã bán 3 con để mở tài khoản gửi tiền cho cô con gái đầu đi học Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, mua sắm sách vở, quần áo cho 2 cậu con trai ở nhà.
Chị Jỏi dự định: Năm tới sẽ bán mấy con bò để xây mới ngôi nhà khoảng 80 triệu đồng, sau đó sẽ mua một vài con bê nuôi gầy lại đàn bò mới.
Chị Đinh Thị Khánh – Tổ trưởng Tổ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy cho biết: Hiện tại, làng Kleng có gần 50 hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ 964 triệu đồng. Hàng tháng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn luôn làm tốt công tác họp định kỳ, thực hiện tốt chức năng thu và nộp tiền lãi, gốc đúng quy định. Đặc biệt, từ năm 2011 đến tháng 8/2014, chưa có hộ nào chây ì không trả nợ, hoặc để phần nợ vốn vay quá hạn, làm ảnh hưởng chung đến các thành viên vay vốn khác. Điều đáng khen ngợi là nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư chăn nuôi bò mà đến nay trong gần 50 hộ vay vốn ở làng Kleng đã có đàn bò vài trăm con.
Chị Y Mơ tâm sự: Trong cuộc sống hàng ngày, mọi kinh nghiệm về vay vốn, tham gia hướng dẫn việc chăn nuôi gia súc để cải thiện cuộc sống, tạo việc làm và phát triển kinh tế gia đình do phụ nữ làm chủ tài khoản luôn được san sẻ cho nhau. Các chị em có thu nhập khá sẵn sàng cho người khó khăn mượn tiền. Các chị thuộc hộ nghèo trước đây nay phần lớn đã thoát nghèo nhờ cách làm kinh tế bằng việc vay vốn nuôi bò, tăng thu nhập ruộng vườn, ngày công trả dần khế ước với ngân hàng. Nhiều chị đã xây nhà mới, mua sắm vật dụng giá trị trong nhà và các con được nuôi dưỡng tốt hơn, nhiều cháu đang học các trường cao đẳng, đại học. Hiện tại, có nhiều chị em, hoặc thanh niên khác ở làng muốn đăng ký vay vốn mong được xóa nghèo như thế, tôi đã báo cáo với trưởng thôn, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy phụ trách địa bàn để giúp bà con trong thời gian đến.
Mai Trâm