Thị trường trái cây, dịch vụ giải khát “nóng” theo thời tiết
Thời tiết nắng nóng những ngày qua khiến cho thị trường trái cây và dịch vụ giải khát trở nên nhộn nhịp hơn. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao khiến nhiều mặt hàng trái cây tăng giá đột biến, các cửa hàng kinh doanh đồ giải khát, quán chè cũng trở nên đắt khách.
Tại Siêu thị Co.op mart, gian hàng trái cây mấy ngày nay thu hút rất đông người mua. Sức mua tăng cao tập trung vào các mặt hàng trái cây giải nhiệt như chanh, cam, quýt, bưởi, táo, dưa hấu... Đặc biệt, một số loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi “cháy hàng”.
Tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, số lượng người ra vào các sạp hàng trái cây cũng đông hơn hẳn so với cách đây vài tuần. Sức mua tăng cao đã đẩy giá cả nhiều loại trái cây tăng đột biến. Chẳng hạn như giá chanh đã lên tới 40.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thời điểm tháng 3; giá cam, quýt, bưởi cũng tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, dừa trái tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/quả... Đắt giá, nhưng độ tươi ngon của các loại trái cây thì xem ra thua hẳn so với thường ngày.
|
Bên cạnh đó, các mặt hàng nước uống như Trà xanh O độ, C2, Cocacola, Pepsi, bò húc... cũng được người dân tiêu thụ mạnh.
Chị Mỹ Phương – Chủ một cửa hàng tạp hoá trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum chia sẻ: Bình thường, mỗi ngày cửa hàng tôi chỉ bán lai rai được vài thùng nước ngọt các loại. Nhưng đợt này nắng nóng, lượng hàng tôi bán được tăng gấp 2 –3 lần.
Tuy nhiên, các quán nước mía, sinh tố, kem, chè, nhất là những quán vỉa hè, ven đường, những xe hàng nước giải khát lưu động ở khu vực công viên, quảng trường 16/3... mới thực sự thu hút được đông đảo người dân. Bởi nắng nóng ai cũng muốn tìm những chỗ thoáng mát để ngồi hóng gió, trốn nóng. Đặc biệt, vào buổi chiều muộn và tối, lượng người lui tới các hàng quán bán đồ giải khát càng đông hơn. Nhờ đó mà những người kinh doanh dịch vụ giải khát “ăn nên làm ra”.
Chị Ngọc bán các loại nước pha chế như trà sữa, trà chanh...(trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) cho biết: Khách đến uống nước đông lắm, nhiều khi không đủ chỗ ngồi, người mua mang về cũng nhiều. Trung bình mỗi buổi tối, em bán được gần 200 ly nước các loại, trừ vốn còn lời được 400.000 – 500.000 đồng.
Những loại đồ giải khát được nhiều người ưa chuộng là nước mía, nước dừa, trà sữa, sinh tố trái cây... với giá cả khá bình dân, chỉ khoảng 7.000 – 15.000 đồng/ly. Bên cạnh đó, các loại kem, chè dường như cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của trẻ em và phụ nữ với mức giá cũng tương đối dễ chịu, chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng/ly. Tuy nhiên, so với ngày thường, giá cả các loại đồ ăn uống giải nhiệt đều nhích thêm vài ngàn đồng mỗi món.
Nắng nóng, nhiều người dân đổ xô tìm những địa điểm giải khát để giải nhiệt, nhưng lại ít quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của những loại đồ ăn, thức uống này.
Đơn cử như tại các quán nước mía, nước dừa vỉa hè, mọi người có thể dễ dàng nhận ra sự nhếch nhác, mất vệ sinh như kiểu bã mía, vỏ dừa chất thành đống ngay cạnh chỗ ngồi; ly, cốc đựng đồ uống được rửa qua loa trong các xô, chậu đựng nước rửa dùng đi dùng lại nhiều lần; đồ uống thừa được đổ ngay bên lề đường thu hút rất nhiều ruồi muỗi... Chưa kể, ai dám chắc những chiếc máy ép mía được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Thế nhưng, những tấm biển quảng cáo nước mía siêu sạch vẫn được trưng ra và nó vẫn hấp dẫn nhiều người.
Ở các quán chè ven đường cũng vậy, các xoong nồi đựng chè được đặt ngay trên mặt bàn ở lề đường không có tủ kính che chắn bụi, vài xô nước dùng để rửa cả trăm chiếc ly cốc... Vậy mà nhiều người vẫn cứ ngồi ăn ngon lành.
Khi được hỏi thì đa số đều trả lời họ không mấy bận tâm, nhiều người còn tặc lưỡi chấp nhận đây như là điều hiển nhiên. “Mọi người ăn được uống được thì mình cũng vậy, có sao đâu. Vả lại chỗ nào chẳng thế miễn ngon, rẻ, tiện lợi là được rồi” – Chị Tuyết ở tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum tặc lưỡi kể.
Nắng nóng khiến nhiều người ngán ngẩm. Nhưng với những điểm bán trái cây, điểm kinh doanh dịch vụ giải khát thì có lẽ nắng nóng lại là niềm hạnh phúc vì đây chính là “cơ hội vàng” để họ kiếm tiền.
Thiên Hương