Thị trường nước giải khát và nỗi lo của người tiêu dùng
Trên thị trường hiện có hàng trăm loại nước giải khát nội và ngoại nhập được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên, thực tế có nhiều loại nước ngọt không đảm bảo chất lượng; thậm chí có chứa các chất độc hại, chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ảnh hưởng tới sức khoẻ của người sử dụng khiến cho người tiêu dùng bất an, lo lắng…
Thị trường nước giải khát hay nói nôm na là nước ngọt hiện nay vô cùng phong phú với rất nhiều loại sản phẩm được sản xuất trong nước, cả các mặt hàng được nhập từ nước ngoài, nói chung đủ chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
|
Theo đó, bên cạnh các dòng sản phẩm nước ngọt của những hãng nổi tiếng như Pepsi, Cocacola, Sabeco... còn có hàng trăm nhà sản xuất khác; mỗi hãng lại có hàng chục nhãn hàng khác nhau.
Tuy nhiên, sự phong phú này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn, nhất là trong thời buổi thị trường “vàng thau lẫn lộn” khi các loại hàng thật, hàng giả, hàng chất lượng và hàng kém chất lượng tràn lan khó phân biệt.
Cùng với đó, nhiều sự cố về chất lượng của các loại nước ngọt cũng liên tục bị phát hiện khiến không ít người dân hoang mang. Điều đáng nói trước tiên là tình trạng nhiều loại nước ngọt bị làm nhái, làm giả tràn lan.
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nước ngọt có tên gọi gần giống với những sản phẩm nổi tiếng như trà xanh C2, 0 độ, nước tăng lực Red Bull, kiểu như O2, E2, trà xanh Oton, Red Star, Red Dimo... Nếu chỉ nhìn qua, khách hàng rất dễ nhầm lẫn bởi có rất nhiều điểm giống nhau về màu sắc, hình ảnh in trên bao bì, lại cùng kích cỡ, dung tích. Thực tế, các sản phẩm này đều được làm theo kiểu “ăn theo” tên của các dòng sản phẩm, thương hiệu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng; nếu không chú ý kỹ, người dân dễ bị mua phải những sản phẩm kém chất lượng này.
Bên cạnh đó, trên thị trường còn có nhiều loại sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng được bày bán công khai, nhất là tại các cổng trường học, các vùng nông thôn với giá rẻ như cho... thường thu hút người tiêu dùng có mức thu nhập thấp, nhất là học sinh, sinh viên. Đây thường là những sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công với những nguyên liệu kém chất lượng, thậm chí có cả hoá chất độc hại.
Ngoài vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì bản thân một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nước giải khát cũng có sự cố liên quan đến chất lượng bị các lực lượng chức năng phát hiện. Điển hình là một số sản phẩm nước ngọt có hàm lượng chì vượt mức cho phép, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đã khiến người tiêu dùng ngày càng dè dặt, thận trọng hơn đối với việc sử dụng các sản phẩm nước giải khát.
Chị Nguyễn Thị Quang (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Các con tôi rất thích uống nước giải khát nên tôi thường mua về cho các cháu dùng, nhưng sau khi xảy ra những sự việc liên quan đến chất lượng một số loại nước giải khát đóng chai, lon được các cơ quan báo chí thông tin, tôi không dám mua về dùng nữa. Bây giờ, tôi chỉ mua chanh, cam hoặc các loại trái cây khác để về làm nước uống giải khát cho cả gia đình.
Nước giải khát từ lâu vốn được người tiêu dùng ưa chuộng; tuy nhiên, trước những vấn nạn về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tràn lan, việc người dân tỏ ra thận trọng, cảnh giác hơn khi sử dụng các loại nước giải khát là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về sức khoẻ, tốt nhất nên sử dụng các loại nước trái cây, nước lọc và một số loại nước lá giải nhiệt; hạn chế sử dụng nước giải khát đóng chai, đồ hộp công nghiệp nói chung và nước ngọt nói riêng, thay vào đó là các loại thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngọc Thắng