Thị trường đồ chơi Trung thu: Hàng Việt vẫn lép vế
Tết Trung thu đã cận kề, thời điểm này sức tiêu thụ các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em tăng cao. Tuy nhiên, trên thị trường, hàng Việt dường như vẫn tỏ ra lép vế cả về chủng loại, mẫu mã lẫn sức mua trước các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc
Dạo qua một số cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên tuyến đường chính của thành phố Kon Tum như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng..., chúng tôi nhận thấy mặt hàng đồ chơi Trung thu năm nay khá đa dạng, phong phú cả về chủng loại lẫn mẫu mã.
Ngoài những mặt hàng truyền thống như đầu lân, mặt nạ giấy, lồng đèn… còn có nhiều sản phẩm mới như mặt nạ các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đèn lồng xếp giấy in hình các con vật, các sản phẩm đèn chạy bằng pin cầm tay phát nhạc, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn các con thú phát nhạc, đồ chơi sáng tạo bằng gỗ...
|
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm đa số tại các gian hàng, các mặt hàng mang nhãn hiệu Việt Nam rất ít nếu không muốn nói hiếm hoi.
Những năm gần đây, trước những thông tin về một số đồ chơi Trung Quốc có ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ người dùng, nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng mua sản phẩm đồ chơi sản xuất trong nước. Đây là một lợi thế cho đồ chơi Việt lên ngôi. Tuy nhiên, do mặt hàng trong nước sản xuất vẫn ít mẫu mã, không có nhiều chức năng, thiết kế không bắt mắt nên không phù hợp với sở thích của trẻ.
Đồ chơi Trung thu trong nước sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở một số chủng loại mang tính truyền thống như: đầu lân, trống quân, đèn ông sao…, song lại có mức giá bán tương đối cao. Đầu lân có giá từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng/con, tùy kích thước và độ tinh xảo; đèn ông sao có giá từ 30.000 đến 200.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ; mặt nạ giấy các loại khoảng 50.000 đồng/cái; đèn lồng có giá từ 20.000 đến 60.000 nghìn đồng/cái, tùy chất liệu và kích cỡ.
Trong khi đó, giá các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc cùng loại rẻ hơn so với đồ chơi Việt khoảng 30 – 40%, trong khi lại có nhiều tính năng như âm nhạc, đèn nháy... và nhiều hình thù ngộ nghĩnh, nhiều nhân vật trên các bộ phim hoạt hình nên trẻ em rất thích thú.
Vì vậy, dù không mấy tin tưởng đồ chơi Trung Quốc, nhưng một số người tiêu dùng vẫn “nhắm mắt” làm ngơ lựa chọn mua những sản phẩm kém chất lượng nhưng mẫu mã đẹp và có nhiều tính năng sử dụng cho con.
Chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi cũng nghe nói nhiều về sự độc hại của loại đồ chơi Trung Quốc, song tôi xác định trẻ con chỉ dùng vài bữa là hỏng nên cũng không quá lo ngại. Hơn nữa, muốn mua hàng Việt Nam thì cũng đâu có nhiều lựa chọn.
Đáng nói hơn cả là các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc luôn có sức hấp dẫn đối với các “thượng đế” nhí nên cho dù cảm thấy không an toàn, nhưng các ông bố bà mẹ khó từ chối trước đòi hỏi của trẻ.
Chị Thuỷ (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cho rằng, mình mua đồ chơi cho con thì phải chọn cái mà con thích, chứ nếu nó không thích thì mua về cũng bỏ đi. Với lại, bọn trẻ mau chán, chơi vài hôm là bỏ nên thôi thì chiều theo ý con vậy, chắc cũng không sao.
Người mua không mặn mà nên người bán cũng vậy. Dù rằng một vài người bán hàng bày tỏ quan điểm rất muốn bán đồ chơi Việt Nam, nhưng vì nhu cầu của người tiêu dùng đối với những mặt hàng này không cao nên họ không có sự lựa chọn. Chính vì vậy, dù muốn dù không, các cửa hàng vẫn bày bán phần nhiều là đồ chơi Trung Quốc.
Bên cạnh những mặt hàng đồ chơi có nhãn mác Trung Quốc rõ ràng, trên thị trường vẫn có nhiều mặt hàng đồ chơi không chứng nhận hợp quy, không có nhãn tiếng Việt và cũng chẳng rõ nhà nhập khẩu được bày bán ở vỉa hè, ngoài chợ. Người tiêu dùng khó có thể biết được đó là mặt hàng có nguồn gốc từ đâu.
Việc đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường, lấn át hàng Việt dường như vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Song để có một mùa Trung thu vui vẻ, an toàn; đặc biệt, để tránh những hậu quả do đồ chơi kém chất lượng gây ra, các bậc cha mẹ cần cẩn trọng khi chọn lựa đồ chơi cho con, chú ý chọn những loại đồ chơi đảm bảo chất lượng, có đủ tem nhãn, xuất xứ... để yên tâm khi sử dụng.
Thiên Hương