Thị trường cát xây dựng: Lộ chuyện “làm giá”
Sau thời gian tăng chóng mặt, từ cuối tháng 8, giá cát xây dựng bất ngờ chững lại và bắt đầu giảm sâu. Nhiều chủ bãi đứng ngồi không yên vì lượng cát tiêu thụ nhỏ giọt với giá thấp hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra là vì sao giá cát xây dựng “nhảy múa” như vậy...?
Giá thấp, bán khó
Gần trưa, đoạn sông Đăk Bla chảy qua địa phận thôn Kon Rơ Wang, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) yên ắng lạ thường khiến tôi bất ngờ. Bởi tại đây có tới 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, mọi ngày, từ mờ sáng đến chiều tối, tiếng máy hút cát vang dội dưới sông. Trên bờ, xe chở cát qua lại rầm rập, máy múc gầm rú, chủ bãi mệt bở hơi tai vì khách hàng hối thúc...
Thế nhưng gần 1 tháng nay, chuyện cát không còn nóng xình xịch nữa, lượng cát tiêu thụ chững lại và giảm hẳn - anh K, giám đốc một doanh nghiệp khai thác cát than vãn. “Đấy, chú xem, cả ngày nay mới bán được vài xe nhỏ (loại 5 khối - PV), chẳng bù cho cách đây vài tháng, điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy” - anh K kể.
|
Không chỉ riêng doanh nghiệp của anh K, mà dạo một vòng qua các bãi tập kết của nhiều doanh nghiệp “có tiếng” trong giới khai thác cát, tôi cũng nhận ra không khí ảm đảm. Bãi của các công ty N.H, B.S hay T.T cát tồn một lượng khá lớn, nhưng mức tiêu thụ hàng ngày lại nhỏ giọt. “Hiện nay bán được ít lắm” là câu than vãn quen thuộc.
Mức tiêu thụ giảm kéo theo giá cũng “quay đầu” tuột dốc. Trước đây, vào khoảng tháng 5, tháng 6, giá cát tăng chóng mặt, lúc cao điểm, giá cát xây tăng lên tới 190.000đồng/m3, nếu điểm mỏ xa thì 210.000 đồng/m3; cát tô còn hiếm hơn, nên giá vọt lên tới 250.000 - 290.000đồng/m3.
Nhưng theo khảo sát tại một số doanh nghiệp, giá cát hiện nay đã “thật” hơn. “Do điểm mỏ gần, thuận lợi về giao thông, nên hiện nay tôi đang bán với giá 160.000đồng/m3 (tại bãi), còn với một số điểm mỏ nằm sâu hơn, như ở xã Chư Hreng, Đăk Rơ Wa của thành phố Kon Tum chẳng hạn, thì giá thấp hơn, ở mức 130.000đồng/m3, vì phải bù chi phí vận chuyển. Giá bán của các doanh nghiệp khác cũng đều thế cả, không xê dịch bao nhiêu”- anh K tiết lộ.
Cát lậu chỉ chiếm thị phần nhỏ
Về nguyên nhân dẫn đến giá cát “nhảy múa”, một số doanh nghiệp cho rằng, giá cát tăng đột biến trong khoảng thời gian tháng 6, 7 vừa qua có một phần là do vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng cao, một phần là do chính quyền và ngành chức năng triển khai quyết liệt công tác truy quét, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, một phần nữa là do nhu cầu cát xây dựng ở tỉnh Gia Lai lớn.
Nhưng cũng có không ít ý kiến lại cho rằng, việc truy quét quyết liệt, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh các đối tượng khai thác cát trái phép có tác động đến thị trường cát xây dựng, nhưng không phải là yếu tố đóng vai trò quyết định như đồn đoán.
Bởi trên thực tế, theo nhận định của nhiều nhà thầu xây dựng, lượng cát lậu không chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. “Với các công trình lớn, chúng tôi không dại gì mà nhập cát trôi nổi, chưa nói đến chất lượng cát, riêng về giấy tờ, nguồn gốc, chủng loại đã phải theo thiết kế rồi, lơ mơ là bị kiểm tra, phát hiện và xử lý liền, nên đều phải nhập cát của doanh nghiệp được cấp phép, có hóa đơn, chứng từ đàng hoàng. Cát lậu chỉ phục vụ phần thị trường xây dựng nhỏ lẻ, nhà tư nhân mà thôi...” - một chủ thầu cho hay.
Một kỹ sư công tác trong lĩnh vực quản lý khoáng sản cũng đặt vấn đề: Nếu nói như vậy thành ra bây giờ giá cát hạ là do ngành chức năng và chính quyền không còn làm căng, mà đã “buông lỏng” quản lý, nên cát tặc hoành hành lại rồi à? Điều này không đúng, bởi thực tế cho thấy, cường độ truy quét, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép của ngành chức năng không hề giảm, mà ngược lại, còn mạnh hơn, chặt hơn, lượng cát khai thác trái phép ở các suối nhỏ gần như không còn.
Bên cạnh đó, theo anh, cho đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 18 giấy phép khai thác cát, chủ yếu tập trung ở thành phố Kon Tum. Nếu khai thác đúng theo công suất thiết kế, minh bạch về giá cả và sản lượng thì không thể khan hiếm cát được.
Lộ chuyện “làm giá”
Vậy thì vì sao giá cát lại “nhảy múa”?
Từ những cuộc tiếp xúc, trao đổi với các chủ doanh nghiệp khai thác cát, dù không ai đề cập trực tiếp đến vấn đề “tế nhị” này, nhưng không khó để nhận ra rằng giá cát tăng chóng mặt là kết quả của một sự “bắt tay” có chủ ý, hay đúng hơn cát bị làm giá, gây bất ổn thị trường.
Theo đó, lợi dụng cơ hội ngành chức năng và chính quyền địa phương siết hoạt động khai thác cát trái phép, nhiều chủ mỏ giảm công suất khai thác hoặc “ém hàng” để tạo sự khan hiếm giả trên thị trường, từ đó đẩy giá cát tăng cao.
Phần khác, giá cát tăng phi mã còn do tâm lý thị trường, tức các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng tự nâng giá lên khi thấy thị trường hút hàng, nhu cầu về xây dựng đang rất lớn.
Bước sang quý III, do thời tiết mưa nhiều, các nhà thầu xây dựng hoạt động cầm chừng và chờ thanh toán tiền, các điểm mỏ ở tỉnh Gia Lai được cấp phép khai thác nên mất đi thị trường tiêu thụ lớn, trong khi lượng hàng “găm” còn khá nhiều, hoạt động khai thác vẫn phải duy trì hàng ngày... nên các chủ mỏ bắt buộc phải đồng loạt hạ giá cát.
|
Về phía ngành chức năng, ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát sỏi của tỉnh, cũng nhận định: Giá cát sỏi trên địa bàn tỉnh tăng bất thường trong thời gian qua không loại trừ việc một số doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác “án binh bất động” hoặc lợi dụng chính sách, thực hiện đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường để “làm giá”... Tức là chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong ngăn chặn nạn cát tặc đã bị số ít người lợi dụng, trục lợi.
Vì vậy, trong thời gian qua, cùng với việc tăng cường đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, sai phép, ngoài phép, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra nhằm bảo đảm thị trường cát sỏi hoạt động bền vững, tránh tác động tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người dân. Nếu doanh nghiệp được cấp phép khai thác nhưng “nằm im” hoặc “găm hàng” nhằm tạo sốt cát để trục lợi bị phát hiện sẽ lập hồ sơ xử phạt - ông Võ Thanh Hải cho biết.
Thành Hưng