Thành phố KonTum: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Thời điểm này, độ ẩm trong không khí lớn, việc vệ sinh chuồng trại không đảm bảo sẽ là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và bùng phát dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt đang được thành phố Kon Tum triển khai tích cực.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Cảnh, thôn Nghĩa An, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đầu tư trang trại chăn nuôi với 48 con heo nái và trên 220 con heo thịt. Đối với gia đình anh, công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cho vật nuôi được xem là điều quan trọng nhất. Ngoài việc bố trí khu chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thoáng mát, hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí hợp lý, gia đình anh còn thường xuyên phun thuốc, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm vắc xin phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Anh Cảnh chia sẻ: Heo là loại vật nuôi nhạy cảm với thời tiết nên thường dễ mắc các bệnh trong thời gian chuyển mùa như dịch tả, phó thương hàn, tai xanh… Trước đây, gia đình anh chưa quan tâm tới việc phòng, chống bệnh nên heo hay mắc bệnh và chết. Sau nhiều năm chăn nuôi, được sự quan tâm và hướng dẫn của Trạm Thú y thành phố Kon Tum, Ban Thú y xã, anh Cảnh đã chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh, đàn heo của gia đình anh phát triển khoẻ mạnh và cho thu nhập ổn định hơn.
|
Tương tự như gia đình anh Cảnh, để đảm bảo cho đàn gà trên 500 con phát triển khỏe mạnh, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Tân An, xã Ia Chim đã chủ động tiêm văc - xin phòng các loại bệnh như: tiêu chảy do E.coli, đậu gà, cúm H5N1... cho cả đàn ngay từ khi nhập gà giống về. Ngoài việc tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại, gia đình bà còn thường xuyên theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ bằng bóng đèn và phát hiện sớm cá thể mắc bệnh để xử lí kịp thời.
Vào thời điểm này các năm trước, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra dịch bệnh trên gia cầm và gia súc. Với phương châm "phòng bệnh là chính", Trạm Thú y thành phố Kon Tum đã rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; đồng thời lập kế hoạch, triển khai tiêm phòng trong năm 2017 gồm tiêm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; vắc xin dịch tả cho đàn heo và cúm cho đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, Trạm cũng thường xuyên chỉ đạo cho lực lượng thú y cơ sở tăng cường công tác vận động, hướng dẫn, nhắc nhở các hộ chăn nuôi thực hiện hiệu quả công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, Trạm đã tiếp nhận và đang phân bổ 730 lít hóa chất Iodione 10%; 126 áo, 63 kính bảo hộ cho cán bộ thú y của 21/21 xã, phường; tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017 từ ngày 15/3 – 15/4.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay có trên 358.000 con gia cầm, gia súc các loại. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan thú ý địa phương, mỗi hộ chăn nuôi cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để chủ động phối hợp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý dịch bệnh kịp thời.
Trần Quang