Thành phố Kon Tum: Khó xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung
Dù đã tiến hành quy hoạch xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung, song cho đến nay thành phố Kon Tum vẫn chưa triển khai thực hiện vì thiếu kinh phí. Vì vậy, tình trạng kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn rất phức tạp, sản phẩm thịt động vật tươi sống đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ cũng khó đảm bảo an toàn vệ sinh.
100% cơ sở giết mổ không đăng ký kinh doanh
Được sự giới thiệu của ngành chức năng, chúng tôi đã liên hệ 1 cơ sở giết mổ gia súc ở xã Đăk Blà. Chị N.T.M – chủ hộ kinh doanh phân trần về việc không có giấy phép kinh doanh liên quan: Gia đình tôi mở điểm giết mổ gia súc, gia cầm đã 20 năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi không đăng ký được giấy phép kinh doanh, nguyên nhân xây dựng điểm giết mổ trong khu dân cư không đúng theo quy định. Hàng năm, các đoàn kiểm tra đến lò, đều lập biên bản xử phạt với nguyên nhân trên, cộng thêm khu vực giết mổ chưa có hố xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Khi trò chuyện, chị M cho biết, dù bị xử phạt hành chính nhưng gia đình vẫn cố nộp phạt vài triệu đồng, sau đó lén kinh doanh để kiếm sống. Theo chị, nếu bỏ nghề này, cả nhà 7 người lấy thu nhập từ đâu trang trải. Chị M cũng nói thêm, năm 2015, cơ sở của chị và nhiều chủ hộ kinh doanh khác tham gia cuộc họp do Phòng Kinh tế thành phố tổ chức, kêu gọi các chủ lò mổ tham gia đóng góp kinh phí (gọi là xã hội hóa) xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung vài tỷ đồng.
Theo chị M, bản thân vợ chồng chị không thống nhất chủ trương này. Bởi mỗi ngày, cơ sở của chị thu mua khoảng 6 con heo, bò/ngày và nhập về lò ra thịt, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm tươi sống ở các chợ đầu mối ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Rẫy, Kon Plông cho thu nhập (sau khi trừ phần vốn đã bỏ ra mua gia súc) 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày, tiền thu nhập này, chị phải trả tiền công cho 3 người thợ ở lò mổ, điện thắp sáng, xăng xe đi lại, phí kiểm soát giết mổ thịt gia súc… gần 1,5 triệu đồng. Còn hơn 1 triệu đồng, chị M cho rằng nguồn tiền này không đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, thì lấy ở đâu tiền tích góp vài trăm triệu đến tiền tỷ, để ủng hộ xã hội hóa thực hiện công trình trên.
Trong khi đó, theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh có 97 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đang hoạt động không giấy phép kinh doanh và chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y. Trong đó, thành phố Kon Tum có 63 điểm giết mổ gia súc (gọi chung là điểm giết mổ) hoạt động nhỏ, lẻ ở 14 xã, phường và 100% cơ sở không nằm trong quy hoạch, không có thiết kế xây dựng liên quan về giết mổ ở khu dân cư. Nhiều lò mổ tư nhân không có khu vực bố trí điểm sạch và bẩn khi đưa động vật vào xử lý vệ sinh trước khi giết mổ, đến khi ra sản phẩm thịt tươi sống. Thế nhưng, trung bình mỗi ngày, các điểm này đưa ra thị trường tiêu thụ 200 con heo, bò, trâu và 475 con gà, vịt… Và khi các điểm giết mổ này không có giấy phép, không đăng ký nộp thuế hàng năm, nên ngân sách địa phương cũng thất thu không nhỏ.
Thiếu kinh phí
Ông Phan Văn Thế - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết, năm 2015, địa phương đã xây dựng phương án quy hoạch khu vực giết mổ gia súc tập trung và bố trí quỹ đất ở thôn Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang) để thực hiện. Tuy nhiên, năm 2016, ngân sách thành phố khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư. Trước đó, UBND thành phố đã tổ chức tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này nhưng chưa khả thi.
Bà Đinh Thị Mỹ Linh - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết thêm: Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng cơ bản quy định cần kinh phí 5-7 tỷ. Khu vực giết mổ gia súc tập trung của thành phố Kon Tum, được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho sử dụng diện tích 11.394m2 đất ở phía tây suối Đăk Tod Rech (thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang). Diện tích đất này đang bỏ trống, chưa sử dụng vào mục đích nào, chưa có người dân ở, xa khu dân cư và 70% cơ sở hoạt động lĩnh vực này đang tập trung ở địa bàn xã Vinh Quang, đến các xã kế cận. Hơn nữa, khu vực này thuận thiện cho việc đi lại giữa các xã phường trên địa bàn thành phố, cũng như thực hiện kiểm soát đầu vào - ra của gia súc (hoặc gia cầm) khi xây dựng nơi giết mổ tập trung ở đây.
Tuy nhiên, bà Linh trăn trở, năm 2015, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố Kon Tum có báo cáo các nội dung công tác trên cho UBND tỉnh và nhận được chủ trương thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện công trình này phải được xã hội hóa, bao gồm nguồn đóng góp của các cơ sở giết mổ. Phòng đã tổ chức đối thoại, vận động 60 cơ sở giết mổ tham gia góp vốn xây dựng khu tập trung nhưng đều nhận được những cái lắc đầu kêu khổ, kêu khó. Đến nay, thành phố Kon Tum tiếp tục khảo sát, tổng hợp có thêm 3 lò giết mổ mới hoạt động nhưng cũng không đăng ký kinh doanh, nâng tổng số điểm giết mổ hoạt động không giấy phép lên 63 cơ sở.
Trong lúc thành phố Kon Tum chưa tìm được nguồn kinh phí ưu tiên đầu tư, thì chủ trương xây dựng khu giết mổ tập trung vẫn nằm chờ trên giấy. Nhiều đơn vị chức năng khẳng định, có công trình được xây dựng, chắc chắn công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu giết mổ gia súc sẽ đưa về một mối, không còn bỏ trống như thời gian qua. Còn hiện tại, chưa thực hiện được các công tác trên, người dân thành phố vẫn phải phập phồng lo lắng về độ an toàn, vệ sinh thực phẩm khi sử dụng sản phẩm vật tươi sống, do các lò mổ không phép hoạt động đưa ra thị trường tiêu thụ mỗi ngày.
Mai Trâm