Thành phố Kon Tum: Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể
Những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum, kinh tế tập thể (KTTT) ở thành phố Kon Tum, mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) kiểu mới có những bước phát triển tích cực.
Phát triển KTTT mà nòng cốt là các HTX được Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong phát triển kinh tế của địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, các cấp, các ngành của thành phố Kon Tum tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới; đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, giúp các HTX hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đúng bản chất, nguyên tắc và sản xuất, kinh doanh có hệu quả.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các HTX hoạt động, UBND thành phố Kon Tum thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, HTX để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc; đồng thời, cung cấp thông tin, hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, tìm hiểu cơ hội, thực hiện các thủ tục đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giúp doanh nghiệp, HTX tìm đầu ra cho sản phẩm.
|
Từ đó, ngày càng có nhiều HTX được hình thành, thu hút được nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia. Hiện, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 50 HTX (tăng 7 HTX so với năm 2022) và 4 quỹ tín dụng với tổng số 6.159 thành viên; tổng vốn điều lệ của các HTX là gần 252,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 28 tổ hợp tác với 425 thành viên.
Đa số các HTX trên địa bàn thành phố Kon Tum đều nỗ lực đổi mới, chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức hoạt động, huy động các nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của các HTX ngày càng ổn định, kinh doanh có hiệu quả. Ước tính doanh thu bình quân các HTX năm 2023 đạt khoảng 1,7 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/HTX; thu nhập trung bình của thành viên, lao động đạt 60 triệu đồng/người.
Các HTX, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết giá trị; góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Tiêu biểu như tại xã Ia Chim, với mong muốn xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có uy tín, có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn cao dựa trên lợi thế sẵn có của địa phương, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ia Chim tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân liên kết, tham gia xây dựng các HTX. Đến nay, trên địa bàn có 5 HTX và 2 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã xây dựng thành công các mô hình trồng cây ăn quả đặc sản chất lượng, đảm nhận tốt các khâu cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã. Hiện tại, nhiều sản phẩm của các HTX như thanh long ruột đỏ, sầu riêng, mít Thái Lan, bơ Boot đã được cấp chứng nhận VietGAP, sản phẩm OCOP và cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.
|
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Kon Tum, trên thực tế, vẫn còn một số HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức. Cụ thể, hiện tại có 16 HTX đang ngưng hoạt động. Phần lớn, các HTX vẫn gặp khó khăn về vốn; trình độ quản lý còn yếu, chưa nhạy bén trong tiếp cận các nguồn thông tin thị trường, các dịch vụ tư vấn kỹ thuật; sản phẩm hàng hóa làm ra chưa nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường...
Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Kon Tum tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT, nhất là đối với các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được địa phương xác định là triển khai hiệu quả chương trình OCOP, xây dựng các cánh đồng lớn, vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ để tạo sức mạnh tổng hợp cho HTX phát triển; phấn đấu thực hiện tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trở thành tiêu chí nổi trội trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Có thể nói, phát triển KTTT, trọng tâm là các HTX kiểu mới là hướng đi đúng của thành phố Kon Tum; giúp tạo ra việc làm cho người lao động, gia tăng giá trị trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Thiên Hương