Tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng bảo vệ rừng
Để góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, những năm gần đây, UBND huyện Sa Thầy phối hợp với các chủ rừng và một số đơn vị tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng bảo vệ rừng.
Lợi cả đôi đường
Thăm mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, chúng tôi gặp A Rứ, làng Bargoc, xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) đang chăm sóc cây sa nhân.
A Rứ khoe: Được Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, huyện và chính quyền địa phương hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, gia đình trồng được 2ha cây sa nhân tím dưới tán rừng. Cây sa nhân hiện đang sinh trưởng tốt.
Vừa lấy cuốc dọn cỏ cho sa nhân, A Rứ nói thêm: Ngày trước cây sa nhân mọc tự nhiên dưới tán rừng, hàng năm đến khoảng tháng 2-3 dương lịch, cây sa nhân cho quả chín, mình cùng dân làng vào rừng hái quả đem bán. Các cơ sở và thương lái thu mua với giá 6-10 nghìn đồng/kg sa nhân.
|
Trên thực tế, quanh khu vực cây sa nhân A Rứ mới trồng lên xanh, chúng tôi còn thấy có những bụi sa nhân mọc tự nhiên.
Thấy cây sa nhân nhiều hộ trồng lên xanh tốt, A Hách bày tỏ ước muốn: Mình cũng ở làng Bargoc. Mình cũng thích trồng cây sa nhân như A Rứ. Mong chính quyền địa phương phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hỗ trợ và nhân rộng mô hình.
Trao đổi về việc tạo sinh kế cho người dân, ông Đào Xuân Thủy - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết, thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu, năm nay, Vườn phối hợp với Phòng NN&PTNT và chính quyền địa phương hỗ trợ 10 hộ trồng 20ha sa nhân tím dưới tán rừng giao khoán cho dân. Cây sa nhân phù hợp với khí hậu, đất đai ở khu vực rừng giao khoán nên sinh trưởng tốt. Tham gia nhận khoán và trồng sa nhân dưới tán rừng, hàng năm người dân còn được hưởng 400 nghìn đồng/ha rừng nhận khoán theo chính sách dịch vụ môi trường rừng.
Mở hướng phát triển mới
Nhìn cây sa nhân hỗ trợ cho dân trồng sinh trưởng tốt, ông Trần Văn Định - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn phấn khởi: Làng Bargoc gần Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, người dân không còn đất để mở rộng sản xuất. Việc huyện phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hỗ trợ cho người dân trồng sa nhân dưới tán rừng, người dân phấn chấn. Mô hình là hướng phát triển mới, khi thành công là cơ sở điểm để nhân ra diện rộng nhằm giúp cho người dân sống gần rừng nâng cao đời sống và phát triển rừng bền vững.
Ở xã Hơ Moong, cộng đồng làng Đăk Wơt, Đăk Do, Kơ Bei và Kơ Tu được UBND huyện phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Viện CODE… giao rừng đầu nguồn và tạo sinh kế.
Ông A Son - Thôn trưởng thôn Kơ Bei cho biết: Nhà nước giao 20,8ha rừng đầu nguồn cho cộng đồng thôn bảo vệ. Từ ngày được giao đất, giao rừng và được các đơn vị hỗ trợ trồng cây sa nhân dưới tán rừng, rừng đầu nguồn hồi sinh. Cây sa nhân trồng dưới tán rừng sinh trưởng tốt và đang mở ra cơ hội cho người dân có thêm thu nhập.
Đặc biệt, ở làng Kơ Bei, cộng đồng bảo vệ rừng dựa theo hương ước. Hương ước quy định, ai vào rừng chặt cây rừng lần đầu làng nhắc nhở, chặt lần thứ hai phạt con heo, chặt lần ba thì đuổi ra khỏi làng. Hàng năm, dân làng thường vào rừng cúng thần linh và xem rừng đầu nguồn là nơi linh thiêng che chở cho dân làng.
Ngoài việc hỗ trợ cho người dân trồng sa nhân dưới tán rừng, Viện Tư vấn phát triển và Trung tâm Tư vấn bảo vệ tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á phối hợp với chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho dân làng trồng 20.000 cây bời lời trên đất rẫy mỳ bạc màu. Các chính sách này đang góp phần phủ xanh đồi trọc và giúp người dân tái tạo rừng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, việc giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế cho người dân, bước đầu tạo được sự chuyển biến đáng kể. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Khi các cây dược liệu trồng dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế, người dân và cộng đồng sẽ có thêm thu nhập để nâng cao đời sống. Trong việc thực hiện chủ trương, chính sách này, huyện liên kết với các công ty dược, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh… thu mua sản phẩm cho dân.
Văn Nhiên