Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Sự phát triển của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế. Những năm qua, Kon Tum đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân đến giao dịch, liên hệ.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Kon Tum đến năm 2020. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành rà soát quy trình thủ tục đầu tư tại đơn vị, nghiên cứu rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết...
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh cũng thường xuyên làm việc với một số sở, ngành, đơn vị có liên quan trực tiếp và thường xuyên đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp; đồng thời mạnh dạn tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các ngành giải quyết một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Song song với đó, tỉnh xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (đã thành lập HTX sản xuất cà phê mang thương hiệu xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà và hướng tới phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo cụm liên kết ngành), tổ chức kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế thông qua các hình thức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, đối thoại, hội nghị xúc tiến đầu tư để lắng nghe, hiểu rõ hơn nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, sự quan tâm của tỉnh đối với sự phát triển doanh nghiệp còn thể hiện ở việc làm cụ thể, như hàng năm, UBND tỉnh duy trì hoạt động tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng; thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư và hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh...
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành định kỳ hàng tháng báo cáo việc giải quyết vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư và các dự án để có hướng chỉ đạo kịp thời. Riêng trong năm 2016, tỉnh đã giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 19 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh. Đó là những việc làm thể hiện rõ sự quan tâm, chú trọng của tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
|
Chính từ những biện pháp, giải pháp nói trên nên trong năm 2016, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực trong nước đến với tỉnh tìm hiểu, đầu tư, như Tập đoàn VinGroup, Coop mart… Đặc biệt, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Công ty Bellest (Hàn Quốc); Biophap, Viet Natura (Pháp), Utility Water (Thái Lan); Kon Plong Agri-Tourism (Úc) và tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư Thái Lan về Dự án đầu tư Khu khách sạn nghỉ dưỡng và thương mại cao cấp tại thành phố Kon Tum…
Tỉnh cũng đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Thái Lan... đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Trong năm 2016, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 39 dự án với tổng vốn đăng ký trên 2.438 tỷ đồng và có trên 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng.
Điều đáng nói, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các doanh nghiêp; chú trọng đến việc giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường và các lĩnh vực khác liên quan đến kinh doanh, đầu tư...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, như hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ chú trọng việc nâng cao hiệu quả điều phối thực hiện các hoạt động trợ giúp phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và duy trì thường xuyên gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hàng quý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Trong năm 2017 này, tỉnh đề ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện các nhóm giải pháp, chương trình hành động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục tham mưu, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh chủ trì thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn về thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định; yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Hy vọng, với sự quan tâm và những biện pháp, giải pháp chủ động, tích cực của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ có sự phát triển khởi sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển...
Phúc Nguyên