Sức vươn Kon Đào
Những ngày này, về xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) ai cũng dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của vùng quê này. Những ngôi nhà kiên cố của người dân mọc lên san sát, những con đường trong các thôn làng được trải nhựa hoặc bê tông hóa, người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới...
Trở lại Kon Đào, chúng tôi được chứng kiến không khí thi đua trong phong trào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ một xã thuần nông, để nâng cao chất lượng cuộc sống, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chủ yếu là trồng các loại cây công nghiệp, cây hàng hóa có giá trị cao. Đến nay, toàn xã có 857,5ha cao su, 192,6ha cà phê, 158ha bời lời, 8,5ha mắc ca. Đàn trâu có 260 con, đàn bò có 613 con…
|
Xã Kon Đào có 8 thôn, dân số khoảng 4.095 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52%. Toàn xã hiện còn 219 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,58%. Dù xã còn nhiều khó khăn trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã vận động được sức mạnh nguồn lực của bà con nhân dân trong xã, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí.
Ông Võ Văn Mẫn - Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho biết: Mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự kiên trì và phải được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp. Trong phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, xã Kon Đào đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân địa phương và các đoàn thể, đơn vị, các doanh nghiệp như Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), Huyện đoàn, Công ty TNHH MTV Huỳnh Ngọc… Sự đóng góp của các đơn vị và nhân dân địa phương trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xây dựng được 193m đường bê tông thôn Đăk Lung; tu sửa 1.300m đường thôn Kon Đào 1; đóng góp 250 ngày công nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng… Đặc biệt, Trung đoàn 24 là đơn vị kết nghĩa với xã Kon Đào đã đóng góp gần nghìn ngày công của bộ đội xây dựng hoàn thành con đường bê tông liên thôn dài 1,2km, xây 2 cầu tạm, cải tạo ruộng đồng, chỉnh trang trường lớp, giúp dân sửa sang nhà cửa… Bên cạnh việc triển khai các bước theo kế hoạch, xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới tới từng thôn, làng, cụm dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia của toàn thể nhân dân với phương châm “lấy sức dân mà lo cho dân”.
Gắn bó với cơ sở, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Đào khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây phát triển kinh tế không thua kém đồng bào Kinh. Ở làng Đăk Lung, số hộ gia đình trồng cao su, cà phê, mì… có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm trở lên khá nhiều như A Dem, A Hem, A Pho, A Nghĩa… Công việc sản xuất người dân cũng không còn phải dùng sức nhiều như trước. Ở làng có 50% số hộ có xe ô tô, máy cày phục vụ sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Cũng theo ông Võ Văn Mẫn, cái khó của Kon Đào là hai thôn Kon Đào 1 và Kon Đào 2 còn nhiều hộ nghèo. Đây là hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Xã đang tạo điều kiện cho các hộ dân ở đây mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất; ưu tiên đầu tư các loại giống cây trồng, vật nuôi như hỗ trợ bò sinh sản, phát triển cao su tiểu điền, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất để đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập...
Xã sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực để hỗ trợ vật liệu xây dựng nhà ở đạt “3 cứng” (cứng nền, cứng vách, mái lợp kiên cố) cho hộ nghèo. Năm 2017, xã phấn đấu giảm trên 8% hộ nghèo (80 hộ); giữ vững 8/8 thôn đạt thôn làng văn hóa; xây dựng 1 HTX tổng hợp, tổ chức liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Còn lại các tiêu chí khác, hy vọng xã sẽ đạt trong năm 2018 - ông Võ Văn Mẫn cho biết thêm.
Dương Lê