Sức sống nơi vùng biên Ia H’Drai
Năm 2008, tỉnh Kon Tum đã có Quy hoạch phát triển cao su giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn đến 2020. Theo đó, tỉnh Kon Tum có 56 dự án (của 10 doanh nghiệp) chuyển đổi gần 40.000 ha rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Diện tích trên chủ yếu tập trung ở xã Mô Rai huyện Sa Thầy, một xã vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh. Bằng cách làm riêng, tỉnh Kon Tum đã để lại nhiều điểm sáng cho Tây Nguyên khi triển khai dự án trên.
Bước đột phá lớn
Năm 2008, HĐND tỉnh thông qua đề án ấn định giá rừng (tạm thời) để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh với mức giá 12 triệu đồng/ha. Đến năm 2011, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết “Về thông qua Đề án định giá rừng để giao, cho thuê và bồi thường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum” và nâng mức giá lên thành 16 triệu đồng/ha. Với cách làm trên, ngân sách của Kon Tum thu được từ các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là hơn 340 tỷ đồng. Bởi vậy, so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên Kon Tum là tỉnh duy nhất thu được nguồn ngân sách này để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương.
|
Sau 8 năm triển khai, diện tích cao su trồng mới tại huyện Ia H’Drai là hơn 24.000ha, huyện Sa Thầy là hơn 2.000ha. Đến nay, cơ bản các diện tích cao su trên đều phát triển tốt so với các vùng khác trong tỉnh Kon Tum.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Chưmomray (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) đã trồng kín 5.200ha cao su. Vườn cây công ty đã có 850ha cạo mủ; trong đó diện tích cạo năm đầu cho năng suất gần 1 tấn, cạo năm 3 dự kiến sẽ là 1,5-1,6 tấn/ha và theo dự kiến các năm sau thì năng suất sẽ càng cao.
Riêng tại Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) là đơn vị trồng cao su lâu năm trên địa bàn Mô Rai thì năng suất vườn cây (không thuộc dự án) trung bình 2,2 tấn. “Đây là năng suất cao nhất toàn ngành cao su. Riêng với các diện tích từ chuyển đổi rừng thì năng suất 1,7 tấn/ha cho những vườn cây mới cạo” -ông Trần Đức Niên - Giám đốc Công ty TNHH MTV 78 khẳng định.
Theo các nhà chuyên môn, diện tích chuyển đổi của Kon Tum có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao phù hợp với cây cao su và khá tương đồng với vùng Đông Nam bộ. Việc triển khai chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại Kon Tum được xem bước đột phá lớn của Kon Tum trong việc hình thành nên một vùng chuyên canh cây công nghiệp (cao su), góp phần hình thành nên một huyện vùng biên vững mạnh trong tương lai gần, đảm bảo an ninh trật tự cho vùng biên.
Thế trận vùng biên
Sau 8 năm triển khai thực hiện dự án chuyển đổi, đến nay vùng đất khó Mô Rai đã là huyện mới Ia H’Drai đang bừng sáng từng ngày. Xã nghèo Mô Rai ngày xưa nay đã thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất tỉnh Kon Tum. Nơi đây đã hình thành huyện biên giới với nhiều tiềm năng, lợi thế.
Khi triển khai dự án, dọc các tuyến biên giới, các Công ty TNHH MTV 78, Công ty 716 (thuộc Binh đoàn 15) cùng công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và dự án Làng Thanh niên lập nghiệp… bằng ý chí, nghị lực của những người lính, người con sống trong thời bình đã biến vùng đất hoang sơ, vùng căn cứ cách mạng nghèo khó thành một vùng chuyên canh cây cao su chạy dọc biên giới. Vùng chuyên canh trên đã tạo nên một thế trận vùng biên vững chắc cho Kon Tum ngày nay.
Huyện mới Ia H’Drai dù mới hơn 1 năm tuổi nhưng bước đầu nơi đây đã hình thành 68 điểm dân cư với hơn 11.000 người sinh sống. Trong năm 2016, Ia H’Drai sẽ có 21 thôn làng ở 3 xã trong huyện. Theo đó, các công ty 716, 78 đã hình thành hàng chục điểm dân cư ở dọc tuyến vành đai biên giới phía bên kia sông Sa Thầy.
Tại mỗi điểm dân cư, đều có một đại đội dân quân “tay súng tay cày”. Riêng tại Làng Thanh niên lập nghiệp, ngoài việc tham gia phát triển kinh tế, các đoàn viên thanh niên nơi đây còn phối hợp với chính quyền, lực lượng biên phòng để phối hợp bảo vệ đường biên cột mốc.
“Thanh niên của làng ngoài sản xuất còn tham gia tuần tra bảo vệ biên cương tổ quốc. Làng đã thành lập một tiểu đội dân quân tự vệ với 18 thành viên thường trực đã phát hiện, góp phần ngăn chặn nhiều trường hợp người lạ xâm nhập vùng biên. Bên cạnh đó, thanh niên còn tham gia tuyên truyền, báo tin, phối hợp các bên để ngăn chặn tình trạng săn bắn, khai thác lâm sản trái phép. Ngày lễ, tết chúng tôi tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, phân công trực gác đã góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên Tổ quốc” - anh Võ Văn Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Kon Tum tự hào nói.
Cùng với các đơn vị quân đội làm kinh tế thuộc Binh đoàn 15, những công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Công ty CP Cao su Sa Thầy, Công ty TNHH MTV Cao su Chưmomray), các doanh nghiệp tư nhân của tỉnh (Công ty CP Sâm Ngọc Linh, Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân)… khi tham gia vào dự án ở vùng biên trên cũng đã góp phần tạo sự khởi sắc cho toàn vùng.
Đến nay, các đơn vị trên đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng vào vùng đất khó này để góp phần hình thành nên diện mạo Ia H’Drai mới như hôm nay. Các công trình như điện, đường, trường, trạm đã được các đơn vị trên không tiếc tiền đầu tư xây dựng. Những con đường đất lầy lội, mùa mưa đi mấy ngày mới vào xã trước kia đã thông thoáng quanh năm. Đường nhựa, điện đã dần phủ kín các điểm dân cư. Cũng từ đây, hàng nghìn lao động giãn dân ở trong và ngoài tỉnh đã vào vùng đất này tham gia trồng, chăm sóc cao su, hình thành các điểm dân cư, đơn vị hành chính mới (3 xã Ia Dom, Ia Tơi và Ia Đal) ở khu vực biên giới, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Các tuyến vành đai đã có dân, tạo được thế trận vững chắc, đảm bảo an ninh trật tự cho vùng biên. Chính quyền và các đơn vị tham gia dự án đã xây dựng một hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở thôn, làng.
Sau 8 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay một vùng biên hoang sơ của Kon Tum đã trở thành một huyện mới đầy sức sống và năng động. Mặc dù hiện tại giá cao su có thấp nhưng với các cư dân vùng biên này, mọi người ai cũng vững tin vào tương lai tươi sáng đang ở phía trước.
Cao Nguyên