Sức bật từ Nghị quyết 05-NQ/TU
Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về "phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp.
Nghị quyết từ thực tiễn
Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ được xem là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn phát triển nông nghiệp hiện nay.
Đây cũng là những giải pháp then chốt, trọng tâm, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, mà còn tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Nông dân cũng chủ động hơn trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo sự cạnh tranh của sản phẩm.
Xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ năm 2016, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm định hướng đúng đắn và tạo sự nhất quán, thông suốt từ tư duy, nhận thức đến hành động trong cả hệ thống chính trị.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày19/8/2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
|
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển mình theo hướng hiện đại; công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi hơn. Tư duy canh tác nông nghiệp của nông dân dần thay đổi, giảm phụ thuộc vào điều kiền tự nhiên.
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đáng chú ý là diện tích đất nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ, manh mún; đất canh tác của nông hộ nằm rải rác, xen kẽ nhau, khó đưa máy móc vào sản xuất, cũng hạn chế khả năng canh tác theo công nghệ.
Vẫn đang tồn tại cách nghĩ đơn giản rằng, đầu tư xây dựng một hệ thống nhà màng, hay hệ thống tưới tiết kiệm bằng béc phun, điều khiển bằng điện thoại thông minh là nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế trong việc làm chủ máy móc, công nghệ. Chưa nói về vốn đầu tư, chỉ việc có đủ kiến thức để tiếp cận với công nghệ mới hay không cũng là một vấn đề nan giải.
Vì vậy, khi Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về “phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành đã đem lại kỳ vọng tạo nên sức bật mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp.
Còn theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Nghị quyết 05 là Nghị quyết mở lối từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Vì vậy đã và đang tạo nên vóc dáng cho một nền nông nghiệp hiện đại.
“Vóc dáng” nền nông nghiệp hiện đại
Kết luận số 2239-KL/TU ngày 11/2/2025 của Tỉnh ủy đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, đã đạt một số kết quả tích cực.
Có thể đưa ra một vài số liệu để chứng minh cho “vóc dáng” một nền nông nghiệp hiện đại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc tập trung đất đai, hình thành “cánh đồng lớn” và các vùng sản xuất tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thúc đẩy. Toàn tỉnh đã công nhận được 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vùng sản xuất cà phê Đăk Hà; vùng sản xuất rau, củ, quả Măng Đen, huyện Kon Plông); thiết lập các vùng trồng được cấp mã số (với tổng diện tích hơn 650ha).
Diện tích sản xuất có ứng dụng khoa học - kỹ thuật đạt 27.277ha, tăng khoảng 24.000ha so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, diện tích sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 2.507ha, tăng hơn 1.700ha so với đầu nhiệm kỳ.
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao năm 2024 đạt khoảng 29,85% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng cao so với năm 2022 (17,16%).
|
Đáng ghi nhận là nhận thức, tư duy của người dân và doanh nghiệp có bước chuyển biến từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá, tập trung, quy mô lớn.
Tất nhiên, từ thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp hiện đại, với “mũi nhọn” là ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ không phải là con đường bằng phẳng, mà có không ít khó khăn và là hành trình dài lâu.
Vì vậy, để bảo đảm ngành nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự đi vào chiều sâu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, vấn đề đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nông dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong hành động.
Có các chính sách liên quan hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế tập thể, đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện liên kết "6 nhà”, gồm “Nhà nước - Nông dân - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng- Nhà phân phối" trong chuỗi phát triển sản xuất; gắn việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao với việc thực hiện các chương trình MTQG và Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn.
Ngoài ra, hiện chúng ta còn thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển các vùng trồng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy, cơ sở chế biến sâu.
Thành Hưng