Sản xuất và cung ứng rau an toàn theo chuỗi
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm, rau, củ, quả tồn dư lượng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh rau an toàn theo chuỗi. Sản xuất và cung ứng rau an toàn theo chuỗi, bước đầu kết nối với người tiêu dùng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn là quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng: sạch, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Đối với các nước phát triển như Nhật Bản, Úc, Canada, Hoa Kỳ…, việc sản xuất và cung ứng sản phẩm theo chuỗi cũng như kiểm soát an toàn theo chuỗi từ lâu được triển khai thực hiện nghiêm ngặt. Người sản xuất, cơ sở sản xuất không dám làm ẩu, sản phẩm đưa ra thị trường luôn bảo đảm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng.
|
Trước yêu cầu đặt ra cho nền sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, sản xuất nông nghiệp nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đang từng bước xúc tiến các hoạt động xây dựng chuỗi sản xuất. Qua quá trình xây dựng, đến nay, ở tỉnh ta có Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5, tổ 4, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum tại thôn Tu Rằng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) bảo đảm cung ứng rau an toàn theo chuỗi.
Sản phẩm rau, củ, quả tại cơ sở Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5 được Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 2 (Đà Nẵng) cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP; Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kết nối giữa cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm là các siêu thị, trường học bán trú trên địa bàn thành phố Kon Tum. Tại buổi kết nối, đại diện các trường có bếp ăn tập thể đề nghị các cơ sở cung cấp rau an toàn với giá cả hợp lý, đảm bảo nhiều chủng loại rau, củ và quả; cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo cô Bùi Thị Chí Linh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, bên cạnh chất lượng, các trường đòi hỏi rau ăn không lặp lại trong tuần. Nhà cung cấp phải cung cấp được danh mục rau trong tuần thì nhà trường mới có thể đặt hàng theo hợp đồng với nhà sản xuất.
|
Chia sẻ mối quan tâm của các trường có bếp ăn tập thể, bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ- đại diện Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum khẳng định: Hai cơ sở sản xuất sẽ phối hợp với nhau. Nếu các trường mua trực tiếp, cơ sở sẽ bán rau, củ, quả bằng giá thị trường.
Còn ông Nguyễn Ngọc Điệp- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5 nói rõ: Tổ hợp tác cam kết bảo đảm rau an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, rau an toàn không đẹp bằng rau ở ngoài. Rau thường có vết lốm đốm do sâu ăn. Khi đưa rau ra thị trường, sản phẩm cung ứng bảo đảm phun thuốc cách ly trước hai tuần và đều nằm trong danh mục cho phép. Tổ hợp tác sản xuất rau vì sức khỏe cộng đồng, vì nhu cầu của xã hội và mong các trường có bếp ăn tập thể, các siêu thị ủng hộ.
Với vai trò kết nối, ông Liêm mong trong thời gian đến, cơ sở sản xuất và đơn vị tiêu dùng cùng nhau chia sẻ, gặp nhau ở chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý. Sau rau, củ, quả theo chuỗi an toàn, năm 2018 Trung tâm sẽ tiếp tục kết nối thêm chuỗi sản phẩm thịt heo, thịt gà an toàn với người tiêu dùng trong tỉnh. Nếu sự kết nối này thành công, thì đây là thắng lợi bước đầu giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng làm cơ sở để nhân ra diện rộng.
Văn Nhiên