Sa Nghĩa chuyển mình
Là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất đai lại không được phì nhiêu, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người dân, nông thôn xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy) đang từng ngày chuyển mình.
Vào thôn Anh Dũng, chúng tôi thấy nhiều tuyến đường được nhựa hóa và bê tông. Trên các dải đồi, cây cà phê, cao su… xanh ngát.
Không đến các trang trại, tôi vào một nhà sản xuất nấm sò. Tất bật với công việc của nghề làm nấm, nhưng chị Phan Thị Toàn vẫn niềm nở đón khách.
Bàn về nghề làm nấm, chị Toàn cười tươi: Tranh thủ lúc nông nhàn, gia đình làm thêm nghề trồng nấm để kiếm thêm tiền lo cho hai cháu đang học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cây nấm cho gia đình thu khoảng 4 triệu đồng/tháng, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mỗi lứa nấm 1.500 bịch gối đầu nhau và đây là lứa nấm thứ ba gia đình đang làm.
|
Theo chị, trồng nấm mỗi lứa thu trong 4 tháng. Nguyên liệu chính làm nấm là mùn cưa, cám gạo, cám bắp... Mọi công đoạn từ phối trộn nguyên liệu, vào bì (đóng bịch), hấp (thanh trùng), cấy giống, nuôi sợi… đều do bàn tay vợ chồng chị tự làm.
“Gia đình có thêm nghề trồng nấm này là nhờ huyện, xã mở lớp dạy nghề cho phụ nữ vào cuối năm 2015. Hiện nay, sản phẩm làm ra của gia đình không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường. Gia đình mong cấp trên hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để gia đình có điều kiện mở rộng cơ sở và tạo việc làm cho người dân” - chị Toàn tâm sự.
Bên cạnh trồng nấm, gia đình chị Toàn còn làm 1ha cà phê, 0,5ha cao su, 0,5ha mì... Tuy chưa thể nói là giàu, nhưng gia đình chị có cuộc sống ổn định, nhất là có tiền lo cho các con học hành chu đáo.
Ở thôn Anh Dũng, nhiều hộ khác lại có thêm nghề trồng rau an toàn. Ông Từ Cấp khoe: Gia đình tôi cùng với 17 hộ dân ở đây được địa phương mở lớp dạy nghề trồng rau an toàn và sản xuất rau trên vùng đất quy hoạch.
|
“Trồng rau (cải, mướp, khổ qua, cà, đậu cô ve - PV) an toàn, gia đình tôi thu nhập thêm 30-40 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Việc sản xuất rau an toàn, trước là để cung cấp cho gia đình, sau là cho thị trường huyện và có thêm khoản thu nhập chi tiêu cho cuộc sống” - ông Cấp trải lòng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cấp cho biết thêm, ngoài việc trồng rau an toàn, gia đình ông còn chuyên canh 3ha cao su đã đi vào khai thác. Trong mùa khai thác mủ cao su, gia đình ông thu 14-15 triệu đồng/tháng từ bán mủ cao su.
Ở thôn Anh Dũng, người dân ai cũng ý thức được việc vươn lên xây dựng cuộc sống. Ông Đỗ Văn Tới khẳng định: Từ bàn tay trắng khi vào đây lập nghiệp, nay gia đình có 3ha cao su, 0,5 sào cà phê, 2 sào lúa nước… Thu nhập của gia đình 200 triệu đồng/năm. Không vươn lên, mình sẽ tụt hậu.
Tuy nhiên, ông Tới chưa phải là hộ khá giả ở địa phương. Theo bà Đỗ Thị Duyên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã, ở thôn Anh Dũng nhiều hộ có diện tích cây công nghiệp lớn hơn như: ông Lương Văn Vương có 4ha cà phê, Lương Văn Hùng 4ha cà phê, Đào Hữu Đoàn 4ha cà phê và 7ha cao su…, thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.
|
Ở thôn Nghĩa Tân, việc phát triển kinh tế gia đình còn khá hơn thôn Anh Dũng. Không tính diện tích cà phê nhận khoán từ nông trường, bình quân mỗi hộ dân ở thôn Nghĩa Tân tự phát triển 2ha cà phê.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã, bằng việc huy động các nguồn lực và sự nỗ lực của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn xã Sa Nghĩa đang có bước chuyển mình đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Việc phát triển kinh tế có sự chuyển biến nhanh. Bên cạnh các mô hình mới, trong những năm qua, hai cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế được địa phương tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh là cao su và cà phê.
Xã Sa Nghĩa có trên 700 hộ dân. Đến nay xã phát triển 317ha cà phê và 535ha cao su tiểu điền. Không tính bời lời, mì, lúa nước…, bình quân mỗi hộ có khoảng 1,2ha cà phê và cao su. Thu nhập bình quân đầu người ở xã cuối năm 2016 đạt 23,10 triệu đồng. Với việc phát huy cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và với việc huy động các nguồn lực giúp dân xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Sa Nghĩa đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới.
Trăn trở nhất hiện nay của xã là việc giúp người Rơ Ngao ở thôn Đăk Tân - thôn tái định cư vùng ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông giảm nghèo và nâng cao đời sống. Và, bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cây, con giống (bò giống), lưới, thuyền đánh bắt cá… người dân thôn Đăk Tân cũng đang từng bước vươn lên và có cuộc sống ổn định hơn trước.
“Nằm trong lộ trình đến năm 2020 đạt nông thôn mới, nhưng cán bộ và nhân dân trong xã đang phấn đấu để về đích trước kế hoạch đã đề ra” - ông Minh quả quyết.
Trần Văn Nhiên