Rượu thủ công: Nấu tràn lan, bán vô tội vạ
Rượu thủ công được ưa chuộng vì giá rẻ, hợp khẩu vị, nhưng rượu được nấu như thế nào, nguồn gốc, xuất xứ ra sao thì dường như không mấy ai biết. Người bán thì tin vào người nấu, người mua thì hoàn toàn dựa vào niềm tin với người bán hàng và thế là mặt hàng này cứ được sản xuất khắp nơi, bán tràn lan và tiêu dùng vô tư.
Trong vai người mua rượu, tôi hỏi thăm vào một gia đình chuyên nấu rượu ở thôn Phương Quý II (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum). Khi vừa bước vào khu nấu rượu, chúng tôi thấy ngay một bạt cơm ruồi nhặng đậu đen kín, khu nấu rượu gần sát với khu nuôi heo, xung quanh mấy chiếc thùng, can bám đầy bụi bặm, cáu bẩn.
Chủ nhà giới thiệu tên là N.Q.T, gia đình anh làm nghề nấu rượu cũng có thâm niên cả chục năm nay. Anh cho biết: Rượu được nấu bằng phương pháp thủ công truyền thống, nấu cơm để nguội vào men 2- 3 ngày ủ cho cơm bắt men rồi mới cho vào thùng đổ nước vào ủ tiếp khoảng 4- 5 ngày nữa thì nấu được. Tuy nhiên, công đoạn nấu rượu bây giờ có khác là ngày xưa nấu bằng men bánh, khi mua về phải mất công giã mịn còn giờ nấu bằng men bột chỉ việc rắc vào là xong; nồi nấu chuyên dụng, bể để hơi rượu đi qua được xây kiên cố nên cũng không phải lách cách bắc nồi, thay nước như trước.
“Mỗi ngày nhà tôi nấu khảng 50kg gạo tấm lấy được khoảng 50 lít rượu. Rượu chủ yếu bán cho các quán quen còn lại thì anh em, bà con trong nhà dùng với giá bán 10.000 đồng/lít. Nấu rượu lời lãi không bao nhiêu, mỗi lít chỉ lời chừng 1.200 - 1.500 đồng, nhưng được cái có bã hèm để nuôi heo” - anh N.Q.T cho hay.
Ghé thăm khu nấu rượu khá lớn của gia đình anh L.V.D, chúng tôi quan sát thấy ngoài chiếc nồi chưng cất lớn và nồi nấu cơm khá đồ sộ là một dãy những thùng nhựa có nắp đậy đặt trong bếp, chủ nhà cho biết đó là những thùng ủ cơm rượu đang đợi đủ ngày để nấu, những chiếc nắp đậy lâu ngày không được cọ rửa, bụi bẩn bám bờ.
Vừa tiếp chuyện, chị vợ anh L.V.D vừa lấy chiếc xẻng lớn đảo bạt cơm mới được rắc men ruồi nhặng bay o o cho vào từng chiếc thau nhựa cũng cáu bẩn chẳng kém các thùng ủ bên cạnh.
Theo lời chị vợ anh L.V.D, ở thôn Phương Quý I, II, đa số các gia đình đều nấu rượu để lấy hèm nuôi heo. Tuy nhiên, mấy năm trước, rượu gạo nấu bằng phương pháp thủ công rất dễ bán, khách hàng còn đặt mua mang xuống tận Bình Định, thậm chí sang cả Lào; nhưng thời gian gần đây, sức mua chững hẳn lại bởi trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu giá rẻ hơn, giá bán chỉ 8.000 – 9.000 đồng/lít nên rất khó cạnh tranh.
Khi tôi hỏi lại, chị nấu rượu bán cho khách khắp nơi, vậy đã có khi nào các mối hàng của chị đến xem chị nấu rượu ra sao chưa thì chị cười trừ: Làm ăn tin nhau là chính chứ ai lại tò mò mà xem với nom hả cô. Với lại mình muốn làm ăn lâu dài thì phải nấu rượu đàng hoàng, đảm bảo chất lượng, có uy tín người ta mới mua chứ. Người ta uống cũng như mình uống.
Khi chúng tôi hỏi, chị có biết về việc nấu rượu phải được cấp phép không thì chị vợ anh L.V.D lắc đầu: Ôi dào, các gia đình đều nấu rượu nhỏ lẻ chứ có phải kinh doanh lớn gì đâu. Nấu rượu truyền thống thì cứ theo cách các cụ ngày xưa mà làm, có ai cần giấy phép gì đâu.
|
Theo quy định của Nhà nước, việc sản xuất, kinh doanh rượu phải tuân thủ nhiều yêu cầu như: có giấy phép sản xuất, kinh doanh; các cơ sở sản xuất rượu phải đăng ký chất lượng sản phẩm và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Rượu muốn bảo đảm các thông số đúng tiêu chuẩn: hàm lượng methanol, ethanol... thì sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử... Tuy nhiên, với những cơ sở sản xuất thủ công thì dường ít được hộ nào quan tâm đến vấn đề này.
Theo đánh giá của Sở Công thương, đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập là chủ yếu nên không chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời việc sản xuất diễn ra không thường xuyên.
Theo ghi nhận của chúng tôi, rượu thủ công không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần chiết xuất (rượu 3 không) nấu tràn lan và được bày bán khắp nơi từ các quán cơm, quán nhậu, tiệm tạp hóa đến các quán cóc ven đường, mặc cho quy định các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu...
Tại các quán, rượu được đựng trong can nhựa, khi người mua có nhu cầu, người bán sẽ rót vào chai nhựa, chai thuỷ tinh hay đựng trong túi nilông... Giá bán cũng rất vô chừng, có loại 8.000 – 10.000 đồng/lít, có loại 15.000 đồng/lít, có loại 20.000 đồng/lít, thậm chí 30.000 đồng/lít... Mặc dù không có loại rượu nào có tem mác, xuất xứ rõ ràng, nhưng khi được hỏi thì hầu như người bán nào cũng quảng cáo là rượu nhà nấu, rượu nấu bằng phương pháp thủ công, đảm bảo chất lượng.
“Rượu nhà nấu, yên tâm đi! Người ta mua nhiều lắm, không có ai bị sao cả và cũng chưa ai phàn nàn gì ” - chị Oanh, một người bán tạp hoá trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum giãi bày khi tôi hỏi mua rượu.
Khách quan mà nói, so với các loại đồ uống khác thì rượu tự nấu hay còn gọi nôm na là rượu đế có giá thành khá rẻ nên phù hợp với túi tiền của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Mặt khác, loại rượu này dễ mua, dễ uống nên được sử dụng một cách vô tư, thoải mái.
Thực tế cho thấy, con đường đi của rượu thủ công từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng hiện nay khá dễ dàng, tất cả đều chỉ được cam kết, thẩm định bằng niềm tin. Thực tế đã có không ít những vụ ngộ độc liên quan tới rượu đã xảy ra, tuy nhiên, đây dường như là điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, người nấu cứ nấu, người bán cứ bán và người mua vẫn cứ mua.
Thuỳ Hương