Rờ Kơi chuyển mình
Nằm ở vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) xanh biếc một màu của cây rừng và những rẫy mía, cao su, cà phê, bời lời, ruộng lúa. Sức sống mới đang hiện hữu trong từng con người ở nơi đây…
Con đường bê tông phẳng lì vừa mới hoàn thành chạy qua xã biên giới Rờ Kơi như là điểm nhấn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này trong năm 2017. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà xây kiên cố vừa mới mọc lên còn thơm mùi vữa.
|
Trên đường đi, thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp cảnh người mua kẻ bán những lâm sản phụ. Hai thiếu niên trạc chừng 14 - 15 tuổi từ hướng rừng đi ra, gặp chúng tôi hồ hởi: Mật ong rừng nguyên chất, cháu vừa mới trực tiếp lấy về, chú có mua thì cháu bán 1 lít 400 ngàn đồng...
Nhìn vào trong gùi chàng thiếu niên này mang sau lưng, tôi thấy còn có một vài loại lá cây rừng, một ít nấm rừng và vài đọt mây rừng to bằng ngón tay cái.
Mua lít mật ong, chúng tôi còn được tặng thêm một ít đọt mây rừng để mang về ăn như là cách các em chia cho chúng tôi chút "lộc rừng" từ tấm lòng thơm thảo. Nhận món quà giản dị mà lòng tôi trào dâng cảm xúc khó tả.
Trụ sở UBND xã Rờ Kơi những ngày cuối năm vẫn tấp nập người vào ra. Trong hội trường, người dân ngồi chật kín để nghe cán bộ hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăm sóc một số loại cây trồng, vật nuôi và định hướng đào tạo nghề cho thanh niên của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi - Trần Lệnh Tuyến cho chúng tôi biết: Những ngày cuối năm này, chúng tôi vừa phải chạy đua thời gian để thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của năm 2017, vừa phải lo tiếp đón các đoàn ở cấp trên về kiểm tra, vừa đi thực tế kiểm tra các thôn, làng quản lý, bảo vệ rừng, rà soát lại hộ nghèo, vừa chuẩn bị triển khai tổ chức các chương trình đón xuân cho bà con vùng biên giới...
“Năm 2017, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Năm 2017, xã Rờ Kơi đã xóa được 100 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo. Cuộc sống của đồng bào nơi đây từng ngày được cải thiện. Hầu hết người dân ở các thôn làng đã mua sắm được xe máy, tủ lạnh và các phương tiện nghe nhìn, để nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; học tập cách làm ăn qua các mô hình kinh tế. Những tập tục lạc hậu cũng được người dân dần xóa bỏ...” - Chủ tịch UBND xã Trần Lệnh Tuyến cho chúng tôi biết thêm về một số nét đổi thay đáng phấn khởi ở địa phương từng được gọi là "vùng đất khó" này.
Không làm mất nhiều thời gian của Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi - Trần Lệnh Tuyến, chúng tôi ngược về thôn mới được thành lập Đăk Tang để tận mắt chứng kiến sự thay đổi nơi đây.
Thôn Đăk Tang nằm sát rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray, xung quanh là các cây rừng, đồi núi, cao su, cà phê điệp trùng. Vào trung tâm thôn, không khí chuẩn bị đón tết của người dân nơi đây đã thật rộn ràng. Người người, nhà nhà dường như chạy đua với thời gian, ai cũng có ý thức hơn trong việc gom góp, làm ăn trong những ngày cuối năm nhưng cũng không quên chuẩn bị cho việc đón năm mới thật tươm tất với hy vọng sẽ khởi đầu cho một năm làm ăn phát đạt, tấn tới.
|
Không giấu được niềm vui mừng, gặp chúng tôi, Trưởng thôn Đăk Tang - anh Nguyễn Duy Tịnh hồ hởi cho biết, thôn Đăk Tang có 189 hộ, 607 khẩu, trong đó có 80% là người dân tộc thiểu số. Năm nay dân thôn Đăk Tang ăn tết to hơn mọi năm, bởi cuộc sống của bà con đã khá hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Ngoài việc trồng mì, lúa nước, cao su, cà phê, bà con còn biết trồng cây tiêu, cây bơ, cây sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác kết hợp với trồng rau, củ, quả, chăn nuôi bò, heo, gà, vịt, cá để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Người dân trong thôn Đăk Tang giờ đây đã biết chọn lựa nhiều loại giống mới đưa vào canh tác, chính nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà có nhiều hộ gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Riêng gia đình tôi nhờ trồng bơ tứ quý ra trái quanh năm và sầu riêng trái mùa nên bán với giá cao có thu nhập trong năm khoảng 200 triệu đồng. Dù các sản phẩm hàng hóa còn khiêm tốn, nhưng nhiều người dân ở đây đã biết đến việc sản xuất bán cái gì người tiêu dùng cần để có thu nhập. Những quầy bán thức ăn ở chợ và ven đường giờ không còn là 100% những món hàng được chở lên từ huyện Sa Thầy hoặc thành phố Kon Tum, mà bà con đã biết tự trồng làm hàng hóa để buôn bán. Bà con đã biết sản xuất các loại rau, quả, bầu bí, mướp, bắp, khổ qua để phục vụ nhu cầu cuộc sống và một phần mang đi bán lấy tiền về trang trải gia đình... Anh Nguyễn Duy Tịnh say sưa kể tôi nghe về những bước chuyển mình của địa phương mình.
Một năm nhiều khó khăn đã đi qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và sự thay đổi trong nếp nghĩ của người dân xã Rờ Kơi, đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ những kết quả đạt được trong năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy những thế mạnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo, đưa Rờ Kơi từng bước thoát khỏi diện xã biên giới đặc biệt khó khăn...
Thật ra, không phải đến khi nghe Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi - Trần Lệnh Tuyến và Trưởng thôn Đăk Tang - Nguyễn Duy Tịnh nói về những đổi thay chúng tôi mới nhận ra bước chuyển mình ở vùng đất khó này. Trên đường trở lại với Rờ Kơi lần này, tôi đã cảm nhận và chứng kiến sự đổi thay của địa phương qua những cảnh vật, qua từng ngôi nhà, từng nụ cười, ánh mắt của người dân nơi đây. Rờ Kơi đang chuyển mình báo hiệu một mùa xuân mới.
Bài, ảnh: Đắc Vinh