Quyết tâm không để dân đói, dân khát
Có lẽ, ít có năm nào việc chống hạn cho cây trồng đặt ra một cách bức thiết như năm nay. Sự thịnh nộ của thiên nhiên đặt người dân và các cấp chính quyền phải căng mình trước nhiều nỗi lo chồng chất.
Không lo sao được khi nhiều nơi người dân đào ao, đào giếng để tìm nguồn nước cứu ruộng lúa bị khô nứt nẻ, cà phê héo úa. Càng lo hơn khi dự báo nắng hạn sẽ kéo sang hết tháng 4 và đầu tháng 5 mà chưa chắc đã có mưa lớn. Trong khi đó, mực nước trên các nhánh sông chính của sông Sê San (sông Pô Kô và Đăk Bla) liên tục đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 – 1,5m; riêng sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum đến giữa tháng 2 mực nước đã xuống 514,88m (thấp hơn mức thấp nhất trước đó trong năm 2013 là 0,06m). Lưu lượng nước trên các sông, suối khác cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35 – 65%.
|
Số liệu quan trắc theo báo cáo ngày 14/3 cho thấy, các hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 2m đến 8m. Cụ thể: tại huyện Đăk Hà, hồ chứa nước Đăk Uy mực nước hiện tại thấp hơn MNDBT 8,05m; tại thành phố Kon Tum, hồ Đăk Yên thấp hơn MNDBT 6,55m, hồ Ia Bang Thượng thấp hơn MNDBT 3,78m; tại huyện Sa Thầy, hồ Đăk Prông thấp hơn MNDBT 6,08m; tại huyện Đăk Tô, hồ Hố Chè thấp hơn MNDBT 4,47m...Theo đó, dung tích hữu dụng hồ Đăk Uy chỉ còn lại 8,68/25,84 triệu m3 nước, hồ Đăk Yên chỉ còn 1,94/5,95 triệu m3 nước, hồ Ia Bang Thượng còn 0,656/2,03 triệu m3 nước, hồ Đăk Sa Men còn 0,714/1,11 triệu m3 nước... Bên cạnh đó, nhiều hồ, đập nhỏ đã trơ đáy và cạn kiệt nước.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, mặc tỉnh đã có nhiều nỗ lực chống hạn, nhưng tính đến ngày 21/3, toàn tỉnh có 1.266,49ha (822,79ha lúa, 434,50ha cà phê và 9,20 cây trồng khác) bị hạn, thiếu nước; 8 công trình nước tự chảy nước đầu mối cạn kiệt, suy giảm không đủ cấp nước cho các hộ dân; có khoảng 3.927 giếng nước bị khô hạn (thành phố Kon Tum 480 giếng, huyện Ia H'Drai 502 giếng, huyện Đăk Tô 1.644 giếng; Sa Thầy 1.149 giếng; Đăk Hà 152 giếng).
Trước tình hình trên, ngày 16/3, UBND tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh với cấp độ rủi ro cấp I. Trước đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác chống hạn và công tác PCCCR. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương xác định nhiệm vụ chống hạn là nhiệm vụ số 1 và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trước mắt cần rà soát lại diện tích cây trồng bị thiếu nước, tập trung mọi giải pháp cứu cây trồng, khu vực nào cây trồng không có khả năng cứu được thì có chính sách hỗ trợ thiệt hại, hỗ trợ giống cho vụ sau. Các huyện, thành phố báo cáo số hộ thiếu đói giáp hạt về UBND tỉnh để hỗ trợ, quyết tâm không để dân đói, dân khát.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố chủ động xuất ngân sách hỗ trợ nhân dân nạo vét kênh mương, khoan giếng, nạo vét giếng, nếu khó khăn đề xuất tỉnh hỗ trợ, kinh phí phải được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Các địa phương rà soát lại tất cả các hồ, đập thủy lợi và giếng nước để có quy hoạch và chiến lược khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô; tu sửa và nâng cấp các công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới lâu dài. Ở diện tích ruộng thường xuyên bị thiếu nước, các địa phương cần hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước hơn. Đối với công tác PCCCR, các địa phương có rừng, chủ rừng trực 24/24h. Khi phát hiện xảy ra cháy rừng, phải huy động ngay lực lượng tại chỗ, đồng thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo của tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng, người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm….
Đó là những giải pháp trước mắt, nhưng về lâu dài đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng còn lại, tăng cường trồng rừng và phục hồi rừng. Nếu không làm tốt những vấn đề này, thì thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Văn Nhiên