Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực
Trong các nguồn lực phát triển của mỗi địa phương, bên cạnh các yếu tố như tiềm lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ… thì nguồn nhân lực được coi là quan trọng nhất, quí báu nhất, có vai trò quyết định.
Ở Kon Tum, sau nhiều năm thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đến nay, vùng sâu vùng xa đã có sự “thay da, đổi thịt”, đời sống người dân đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, phần đông người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo; thu nhập, phúc lợi xã hội của người dân vùng này còn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn nhân lực không đủ mạnh để thực hiện các chương trình, dự án mà Nhà nước đưa lại về y tế, phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống...
Đề cập nguồn nhân lực phải xét đến cả hai góc độ: số lượng và chất lượng, trong đó chất lượng có vai trò quan trọng hơn. Tính đến năm 2016, dân số Kon Tum đạt khoảng 500.000 người, trong đó, nguồn lao động chiếm tỷ lệ khoảng 60,3% trong cơ cấu dân số. Những năm gần đây, công tác đào tạo đã được tỉnh chú trọng, nỗ lực trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2016, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 6,95% trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh, tăng 0,03% so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn đạt ở mức thấp, trong khi đó tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp chiếm khoảng 63,8%.
|
Về công nghiệp, dịch vụ ở tỉnh cũng chậm phát triển, sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, số lượng doanh nghiệp ít, số lao động được thu hút vào làm việc ở các doanh nghiệp không đáng kể. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch chậm; phần lớn lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp với năng suất lao động thấp. So với nhu cầu của sự phát triển các ngành công nghiệp trong hiện tại và thời gian tới, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng được.
Nhìn một cách tổng quát thì trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, công nhân lành nghề, chưa hình thành được đội ngũ lao động chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Trước thực trạng này cần phải có quy hoạch để phát triển nguồn nhân lực và có giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là có chính sách cụ thể đối với lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số. Để nâng cao trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nguồn nhân lực, tiến sĩ Bùi Quang Bình - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của chính quyền, ngành Giáo dục và người dân, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức về sự cần thiết phải học tập để nâng cao học vấn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, giải pháp về giáo dục - đào tạo có ý nghĩa quyết định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống giáo dục đào tạo từ mầm non đến đại học, đặc biệt là xây dựng trường nội trú liên thông, trường bán trú dân nuôi; phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề phải gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động; thành lập khoa dự bị đại học tại các trường đại học, cao đẳng để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số, trước khi học các chuyên ngành đào tạo bậc đại học; mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách cử tuyển cho đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế gắn trách nhiệm của địa phương trong việc lựa chọn đối tượng và ngành học cử tuyển với việc bố trí, sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương...
Tỉnh đang xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, để triển khai thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trước mắt cần hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực và việc làm, trên cơ sở thực hiện quy hoạch và quy hoạch lại nguồn nhân lực của tỉnh. Cần kết hợp chặt chẽ kế hoạch sử dụng đất và nguồn lao động tại chỗ để giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Áp dụng các chính sách sử dụng lao động theo hướng tăng quyền chủ động của các đơn vị sử dụng lao động; khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển mô hình trồng cao su, trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn để thu hút lao động là đồng bào dân tộc. Không ngừng nâng cao dân trí; hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất - đây là vấn đề cốt lõi để nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Dương Lê