Quản lý đất đai của các công ty lâm nghiệp: Bài toán khó đã được giải
Có thể nói, suốt thời gian dài, công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường (nay là các công ty TNHH MTV lâm nghiệp) luôn là nỗi ám ảnh của những người có trách nhiệm bởi độ khó khăn, phức tạp của nó. Nhưng chắc chắn rằng, từ nay trở đi, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn bởi bài toán khó đã được giải từ hiệu quả của một dự án...
"Phức tạp như đất...công ty"
Trước đây, nếu được nghe một cán bộ huyện, xã hay ngành Tài nguyên và Môi trường ví von rằng "phức tạp như... đất lâm trường" khi nói về sự việc phức tạp, khó khăn nào đó liên quan đến đất đai, thì có lẽ chẳng mấy ai ngạc nhiên. Bởi chuyện đất đai của các nông lâm trường đúng là phức tạp thật.
Về thực trạng quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đức Hạnh cũng từng cho rằng, tình hình quản lý đất lâm nghiệp được giao cho các lâm trường (trước đây) và các công ty lâm nghiệp (hiện nay) luôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được Nhà nước giao đất trước Luật Đất đai năm 1993, chủ yếu thực hiện trên sổ sách là chính và giao theo từng tiểu khu, đến nay bị xâm canh, bị lấn chiếm, hoặc sử dụng không đúng mục đích nên không còn nguyên trạng.
|
Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, một số lâm trường quốc doanh (đến nay được chuyển đổi thành các công ty lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh đều từng sáp nhập, chia tách hoặc thành lập các trung tâm, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất. Do hồ sơ quản lý sử dụng đất chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc khó xác định được ranh giới, mốc giới, tình trạng sử dụng đất...
Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là hiệu quả sử dụng đất chưa cao; hệ thống số liệu, tài liệu, bản đồ về đất đai chưa đầy đủ và thiếu chính xác; ranh giới sử dụng đất nhiều nơi chưa được xác định rõ trên thực địa; tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp; việc chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật còn chậm; diện tích đất bàn giao cho địa phương chưa có hồ sơ địa chính để quản lý, sử dụng.
Một trong những vấn đề làm ngành chức năng và chính quyền địa phương đau đầu nhất là tình trạng đất đai của các lâm trường (trước đây) được cấp chồng lấn với đất của các hộ dân và tổ chức hay các hộ dân lấn chiếm đất của các lâm trường diễn ra trong thời gian dài chưa được xử lý.
Đơn cử, 7 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được giao khoảng 269.079ha thì có 22.239ha đất bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy; 10.795ha do các tổ chức, cá nhân sử dụng. Tại huyện Đăk Glei, năm 2008, UBND tỉnh đã quyết định giao 32.012,4ha cho công ty lâm nghiệp, nhưng trong số đó giao trùng lên đất tổ chức, cá nhân đã sử dụng ổn định từ trước là 3.550ha; diện tích bị lấn chiếm là 5.446ha.
Ngoài ra, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật đối với đất có nguồn gốc là đất lâm trường quốc doanh trước đây xảy ra khá phổ biến, song các đơn vị được giao đất không có biện pháp ngăn chặn và chưa phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm.
Không còn "điểm nghẽn"
Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đức Hạnh trao tận tay, ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô bày tỏ sự phấn khởi: Lần đầu tiên sau nhiều năm làm quản lý, tôi có thể hình dung được một cách cụ thể và rõ nét nhất về tài sản là đất đai mà doanh nghiệp được Nhà nước giao quyền sử dụng. Tất cả là nhờ dự án lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là dự án) cho 7 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp.
Cùng chung niềm vui với ông Nguyễn Thành Chung còn có đại diện của 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai và Kon Rẫy. Tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà 3 doanh nghiệp được trao trong dịp này là 191 giấy/51.106,12ha.
Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai chia sẻ: Giấy chứng nhận là cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ ngoài thực địa không bị nhầm lẫn về ranh giới lâm phần; giúp chủ rừng bóc tách những diện tích đất sử dụng không hiệu quả hoặc không phù hợp với qui hoạch trả về địa phương để bố trí sử dụng phù hợp với qui hoạch...
Về phía ngành chức năng, ông Trần Anh Tuấn- Trưởng phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Dự án đo đạc cắm mốc ranh giới giữa các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp được triển khai theo Quyết định 548/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh, trên tinh thần Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Một trong những mục tiêu của việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là xác định cụ thể người sử dụng đất, chủ rừng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng. Vì vậy, đây là một dự án đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Khi dự án hoàn thành, sẽ giải quyết hết các "điểm nghẽn" lâu nay, như xác định rõ chủ thể sử dụng đất cũng như ranh giới sử dụng đất đã giao, đã cho thuê sử dụng; xây dựng hồ sơ pháp lý để các doanh nghiệp quản lý và sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật; phát huy hiệu quả sử dụng đất, sử dụng rừng; giúp cho chính quyền có cơ sở để quản lý, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất đai khoa học, hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 1 năm nỗ lực, các đơn vị thi công đã thực hiện lập hồ sơ ranh giới cho 7 công ty lâm nghiệp với tổng chiều dài 2.988km (đạt 92,8%); cắm 3.450 mốc (đạt 97%); đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 cho 209.938,47ha (đạt 94,6%); chỉnh lý bản đồ địa chính 5.674 thửa đất (đạt 167,9%); phê duyệt Phương án sử dụng đất của 6/7 công ty lâm nghiệp; đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với diện tích đất trả về địa phương quản lý ở 26 xã thuộc 5 huyện với tổng diện tích 22.907,48ha (đạt 98,5%); lập hồ sơ, đo đạc, cấp 8.040 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các công ty lâm nghiệp chuyển về địa phương quản lý cho hộ gia đình, cá nhân...
Thành Hưng