Quản lý chất lượng nông sản thực phẩm: Bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng
Bằng việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh từng bước góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm đi vào nề nếp và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước và sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, trong những năm gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm.
Theo ông Huỳnh Văn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, ngay trước Tết Nguyên đán 2017, Chi cục thành lập Đoàn kiểm tra về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm để kiểm tra các cơ sở thu gom, sơ chế cà phê nhân, rang xay cà phê bột, sản xuất nem chả, đóng gói đường, gạo, sản xuất đậu khuôn, chế biến măng…
Kết quả kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nem chả tại huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, Đoàn công tác phát hiện các cơ sở có dùng chất phụ gia để tạo dai, dẻo, giòn, tăng kết dính, tăng khả năng giữ nước, độ bóng cho nem chả như chất Polyphosphat, Superbin K70, VDN-FOOD, VDN-GALA và Mixphos. Tuy nhiên, đây là các chất nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm.
Cũng qua đánh giá, Đoàn kiểm tra cho biết phần lớn các cơ sở này đều chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nhưng vẫn còn có cơ sở chưa có giấy đăng ký kinh doanh; trang thiết bị tiếp xúc với sản phẩm không thực hiện vệ sinh sạch sẽ; chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhãn sản phẩm; không thực hiện ghi chép tiếp nhận và sử dụng nguyên liệu.
|
Kiểm tra đối với cơ sở thu gom, sơ chế cà phê nhân, cơ sở rang xay cà phê tại huyện Đăk Hà, Đoàn kiểm tra ghi nhận, các cơ sở thu mua cà phê tươi sau đó phơi khô, xay lấy cà phê nhân rồi nhập cho các công ty khác. Các cơ sở đều có sân bãi rộng, máy móc trang thiết bị đảm bảo và phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở chưa có kiến thức về an toàn thực phẩm, chưa khám sức khỏe định kỳ cho chính mình và người trực tiếp sản xuất; chưa có giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra hướng dẫn, bổ sung, khắc phục các lỗi để đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Tại Nhà máy Đường Kon Tum, về cơ bản đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng chưa có bản công bố hợp quy cho vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Đoàn kiểm tra cũng cho biết, đối các cơ sở đóng gói đường, đậu khuôn, kinh doanh gạo, chế biến măng, thu gom sâm dây tại thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô về cơ bản đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn cơ sở chưa đảm bảo quy định an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất đậu khuôn và chế biến măng tại huyện Ngọc Hồi, về thủ tục hành chính, các cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ hộ và người trực tiếp kinh doanh.
Thông qua việc kiểm tra, ngoài việc chấn chỉnh các cơ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, Chi cục còn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm từng bước đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản đi vào nề nếp, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đào Nguyên