Qua những vùng ngoại ô
Chỉ nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum vài ba cây số, chỉ mất năm bảy phút chạy xe, những vùng quê ven thành phố lại có những nét riêng rất độc đáo. Đó là sự thanh bình, yên ả và đặc biệt là vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống…
Những cây cầu nối phố với làng
Nói là vùng ngoại ô, nhưng thực chất, các phường, xã trên đều nằm rất sát với nội thị thành phố Kon Tum; mỗi vùng ngoại ô đều được nối với phố thị bằng một cây cầu. Đi từ phố qua cầu là tới làng, xóm, rất gần. Thế nhưng, những cây cầu vẫn phân định rõ ranh giới khoảng cách giữa phố phường nhộn nhịp với các làng quê bình yên, cũng là sự nối kết giao hòa văn hóa thành thị và văn hóa làng quê. Đây có lẽ là nét độc đáo riêng có của thành phố Kon Tum.
|
Ví như cây cầu Kon Klor nối phố với vùng quê nhỏ bình yên - xã Đăk Rơ Wa. Vùng đất này chủ yếu là đồng bào Ba Na sinh sống và hiện nay vẫn còn những ngôi làng cổ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống của người dân địa phương như Kon Jơ Dri, Kon Ktu... nằm nép bên bờ sông Đăk Bla.
Nghe già làng A Mít (làng Kon Jơ Dri) kể ngày xưa khi chưa có cây cầu treo Kon Klor, Đăk Rơ Wa có rất ít người ở và qua lại; đây là vùng đất hoang vu và rậm rạp; nhưng từ năm 1994, khi cây cầu được đưa vào sử dụng, người dân bên phường Thống Nhất, Thắng Lợi sang đây lập làng đã đánh thức vùng đất này. Dân cư ngày càng đông đúc, cuộc sống phát triển khá nhanh; đi lại, mua bán đều thuận tiện; nhưng nếp sống của người dân thì vẫn rất bình dị và chân chất như xưa; làng quê vẫn thanh bình chứ không ồn ào, náo nhiệt như bên phố.
Muốn đến xã Vinh Quang, người dân cũng phải đi qua một cây cầu, ngắn thôi nhưng đó nhịp cầu nối đôi bờ vui, đưa phố với làng gần nhau hơn; đồng thời nó cũng đủ phân ranh giới giữa làng và phố. Đi qua cây cầu này là tới các làng đồng bào DTTS như Kon Rờ Bàng I, II và miền đất trù phú nhiều cây trái mà nhiều người hay gọi đùa là xứ miệt vườn Phương Quý.
“Nơi đây có những con đường làng nhỏ quanh co mát rượi dưới những tán dừa xen lẫn những bụi tre xanh rì rào; những ngôi nhà ba gian hài hòa dưới không gian xanh của vườn cây như mít, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm... Cứ đến độ tháng 7, 8, những vườn cây trái lại xum xuê, trĩu quả chẳng khác gì miệt vườn ở Nam bộ” - Bà Trần Thị Thu Uyên, thôn Phương Quý I, xã Vinh Quang tự hào khoe về làng mình.
|
Hay như phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết cũng được nối với phố bằng cây cầu Hnor. Cũng như ở Vinh Quang, những nơi này, các làng đồng bào DTTS sinh sống xen lẫn với làng của người dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên lập nghiệp từ cách đây rất lâu. Họ sống chan hoà, thân thiết nhau với một nhịp sống khá bình dị, từ tốn.
Tôi cứ tự hỏi rằng, không biết vì sao chỉ cách nhau một cây cầu dăm chục mét đến vài trăm mét mà sao nhịp sống, cách sống giữa những vùng ngoại ô và nội thị lại có nhiều nét khác biệt đến thế. Những vùng ngoại ô thanh bình, thơ mộng, đất đai trù phú với rau, hoa xanh mướt, những ruộng lúa, bắp bạt ngàn; người dân sống rất mộc mạc, chân tình và cởi mở…
Ngoại ô chuyển mình
Nói như vậy không có nghĩa là những vùng ngoại ô tách biệt hẳn với nội thị, không phát triển, không bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, mà nó vẫn hoà nhập được với cuộc sống phố thị một cách nhịp nhàng.
Những năm qua, với việc chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, diện mạo các vùng ngoại ô của thành phố Kon Tum đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân được nâng lên, kéo gần khoảng cách giữa vùng ven với khu vực nội thị. Trong đó, thành phố Kon Tum đã ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như đường giao thông, điện…, từ đó tạo động lực thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội ở các xã vùng ven phát triển; làm thay đổi diện mạo các vùng ven.
Song song với sự đầu tư của thành phố Kon Tum, người dân vùng ngoại ô cũng tích cực khai thác những tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, về tiểu thủ công nghiệp, giá trị văn hóa đặc sắc để đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh tạo thành thể liên kết, thống nhất giữa khu vực nội thị và vùng nông thôn.
Chẳng hạn như ở Đăk Rơ Wa, Ngọc Bay, người dân không chỉ làm nương rẫy, mà còn phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm gốm, đồ đồng, đồ bạc; ở Ngô Mây, Nguyễn Trãi với lợi thế về đất đai màu mỡ, người dân chủ yếu trồng rau, hoa để cung ứng cho thị trường thành phố; hay ở xã Vinh Quang, Đoàn Kết, với đất đai canh tác rộng người dân trồng lúa, mì và cây ăn quả... Nhờ đó, các vùng quê đã từng bước chuyển mình; đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa ngày càng thêm nhộn nhịp, sôi động hơn, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Nhưng dáng dấp của mỗi vùng quê vẫn được người dân gìn giữ khá nguyên vẹn, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
|
Tiêu biểu như vùng đất Đăk Rơ Wa bên kia sông Đăk Bla không còn hoang sơ như trước mà giờ đã chuyển mình. Nhờ biết khai thác lợi thế về đất đai, văn hoá; người dân ở đây đã đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đa dạng trong trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch.
Một người bạn của tôi từ Huế lên chơi đã từng ví von Kon Tum có thế đất và nếp sống na ná cố đô. Nếu như Huế có dòng sông Hương thơ mộng và man mác buồn, thì Kon Tum có dòng Đăk Bla mộc mạc và trầm tư. Ở Huế, từ kinh thành ra ngoại ô cũng gần như từ nội thị Kon Tum ra vùng ven vậy; cuộc sống ở các làng quê đều rất yên ả và thanh bình. Nhưng điểm khác biệt của riêng Kon Tum đó là mỗi làng, mỗi xóm lại có một đặc trưng về văn hoá, phong tục, nếp sống khác nhau tương ứng với từng cộng đồng dân cư; đồng thời vẫn có sự giao thoa về văn hoá.
Gần chục năm sống ở thành phố Kon Tum, mỗi lần qua những vùng ngoại ô tôi đều thấy sự vươn lên mạnh mẽ của mỗi làng, mỗi xóm; trong tôi lại thêm yêu những miền quê nhỏ...
Thuỳ Hương