Phụ nữ Kon Rẫy chung sức xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò, trách nhiệm, trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Kon Rẫy đã vận động sự vào cuộc của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần vào quá trình thực hiện và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi gặp gỡ chị Y Nam - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 7, xã Đăk Tờ Lung khi đang tổng dọn vệ sinh nhà cửa và được chị cho biết: Mình nhận thấy chương trình tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm và nhà ở là một việc làm rất tốt, sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và tất cả mọi người trong thôn. Từ nhận thức đó, mình thường xuyên vận động các hội viên làm tốt công tác vệ sinh nhà cửa, vườn tược, quét dọn rác bỏ vào sọt để cùng nhau đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cho cộng đồng xã hội.
Còn chị Y Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Kôi tâm sự: Trong nhiều năm qua, Hội LHPN nữ xã đã đứng ra tín chấp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các nguồn vốn thuộc chương trình về hộ nghèo, hộ cận nghèo cho vay phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo. Qua kiểm tra, chị em phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích; trong đó tập trung vào chăn nuôi heo, dê, gà, vịt và trồng bời lời, cà phê, cao su và đã cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Làm việc với chúng tôi, chị Đinh Thị Thuận - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Rẫy cho biết: Thực hiện tiêu chí số 9, 10 và 11 về nhà ở, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đào tạo nghề, trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã tổ chức vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng thực hiện đợt thi đua đặc biệt “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” và cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay, các cấp hội đã vận động xây dựng được 6 ngôi nhà “Mái ấm tình thương” và sửa chữa 1 ngôi nhà cho 7 chị phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện; đồng thời, tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá 2,5 triệu đồng cho 1 hội viên phụ nữ nghèo gặp hỏa hoạn tại thôn 4, thị trấn Đăk Rve.
Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN các xã: Đăk Ruồng, Tân Lập, Đăk Kôi, Đăk Pne đã giúp đỡ các phụ nữ nghèo khó khăn, hoạn nạn với 380 ngày công lao động và 6,98 triệu đồng tiền mặt không tính lãi, 160kg gạo cứu đói giáp hạt. Đồng thời, phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu vận động chị em hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện mô hình “Nhà vệ sinh giá rẻ” tại các xã: Đăk Pne, Đăk Tờ Re nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng ở trẻ em…
Hội LHPN huyện còn tổ chức phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và đã có 450 cán bộ, hội viên, phụ nữ trồng được 3.000 cây xanh, cây ăn quả các loại tại các xã: Đăk Tờ Lung, Đăk Tờ Re. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện vận động hội viên, phụ nữ đào hố trồng cây xanh thực hiện “đoạn đường tự quản” và tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương... được 42 buổi, thu hút 2.317 hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội đã tổ chức thành công mô hình “Sản xuất nông sản sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” nhằm bảo vệ môi trường “Xanh, sạch, đẹp” tại thị trấn Đăk Rve, thu hút 25 hội viên, phụ nữ tham gia; hỗ trợ 100 ngàn đồng/1 hội viện phụ nữ để mua giống rau ban đầu với tổng số tiền 2,5 triệu đồng.
Các chi hội, tổ hội cũng đã phát động xây dựng quỹ tiết kiệm nhằm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo và duy trì có hiệu quả mô hình “Tiết kiệm - tín dụng” trong hội viên, phụ nữ. Đồng thời, tích cực khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, triển khai có hiệu quả Chương trình vốn vay ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và tín chấp cho 2.075 chị em phụ nữ vay với tổng số vốn 54.922 tỷ đồng.
Chị Đinh Thị Thuận khẳng định: Nhờ sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về tư duy phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm, phát huy nội lực của hội viên phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua những việc làm có ý nghĩa xã hội và hiệu quả kinh tế này, chất lượng của tổ chức Hội cũng được nâng lên, hội viên thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Bài và ảnh: Nguyên Hà