Phát triển vật liệu xây không nung vì phát triển bền vững: Cần những giải pháp đột phá
Phát triển vật liệu xây không nung, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công là một chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm mục tiêu phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi những giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới...
Có “điểm tựa” về chính sách
Trong những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo mới nhất (Công văn số 2732/UBND-HTKT ngày 11/10/2017) của UBND tỉnh về phát triển vật liệu xây không nung và chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của nhiều chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, nội dung đáng chú ý nhất là, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch và lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công; điều tra, khảo sát, tính toán nhu cầu sử dụng gạch tuynel để đề xuất quy hoạch sản xuất phù hợp...
|
Trên thực tế, từ tháng 2/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND về phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò gạch thủ công trên địa bàn.
Gần đây nhất, tháng 4/2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Nguyễn Đức Tuy đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Nguyễn Đức Tuy, đây là những chỉ đạo rất cụ thể, cho thấy UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, cũng như các cơ chế ưu đãi, khuyến khích sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.
Có ưu thế vượt trội, nhưng...
Dù đã “bỏ cuộc chơi” vì nhiều lý do, nhưng cho đến bây giờ, ông T- một trong những người đi tiên phong trong sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh - vẫn khẳng định rằng gạch không nung “ăn đứt” gạch nung thủ công ở nhiều phương diện.
Khi sản xuất gạch đất sét thủ công, phải sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác từ đất ruộng, đất phù sa, đất sét…, tức là sẽ mất rất nhiều đất nông nghiệp. Và để nung những viên gạch ấy, phải sử dụng một lượng lớn than hóa thạch, củi đốt dẫn đến tình trạng phá rừng, mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường sống - ông T cho hay.
|
Trong khi đó, gạch không nung sử dụng các nguồn nguyên vật liệu có sẵn như bột đá, cát, xi măng... Do quá trình sản xuất không dùng đến than, củi, nên tiết kiệm được nhiên liệu và không sinh ra các chất phế thải hoặc chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường...
Có thể nói, với “điểm tựa” về chính sách và những ưu điểm vốn có, lẽ ra, gạch không nung phải nhanh chóng phát triển, chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế thì thế nào?
Theo số liệu thống kê, cho đến nay, có 10 dự án lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư sản xuất gạch không nung, nhưng chỉ có 4 dự án xây dựng xong nhà máy đi vào sản xuất, với công suất khoảng 30 triệu viên/năm, và cả 4 nhà máy hoạt động cầm chừng vì sản phẩm khó tiêu thụ. Dù không muốn, nhưng những chủ cơ sở này vẫn phải thừa nhận rằng, sản phẩm vật liệu xây không nung vẫn đang ở bước “dò đường”, loay hoay để tìm chỗ đứng trên thị trường.
Trong khi đó, gạch đất sét nung lò thủ công lại “bung ra” làm ăn mạnh hơn, với số lượng lò nhiều hơn. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Kon Tum, hiện có 367 lò gạch thủ công đang hoạt động, tổng công suất đạt khoảng 135 triệu viên/năm.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo một chủ doanh nghiệp từng đăng ký dự án làm vật liệu xây không nung, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, như còn thiếu một hệ thống đồng bộ các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng... dẫn đến sự nghi ngờ của người tiêu dùng; chi phí xây dựng khi sử dụng gạch không nung cao hơn gạch nung truyền thống.
Đặc biệt, còn thiếu chế tài cụ thể đối với việc thực hiện quy định bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng không nung... Ví dụ, theo quy định, công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung, nhưng khi thiết kế, thẩm định cấp phép, các cơ quan có thẩm quyền “làm ngơ” khi chủ đầu tư sử dụng gạch nung, đến khâu nghiệm thu quyết toán, cũng “cho qua”...
Bên cạnh đó, chia sẻ với phóng viên Báo Kon Tum, một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch tuynel cho rằng, dù đã được xác định vai trò thay thế cho gạch nung, nhưng trên thị trường, gạch nung vẫn được sản xuất tràn lan, giá bán rẻ hơn nhiều, khiến gạch không nung bị cạnh tranh khốc liệt, rất khó chen chân vào các công trình.
Bản thân tôi có đăng ký dự án sản xuất gạch không nung, tuy nhiên điều khiến tôi băn khoăn là, theo Kế hoạch số 286/2013/KH-UBND của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020 sẽ ổn định các cơ sở sản xuất gạch tuynel đã có, giữ nguyên sản lượng gạch tuynel (80 triệu viên/năm); khuyến khích đầu tư dự án sản xuất gạch không nung, nhưng hiện nay được biết, tỉnh vẫn phê duyệt chủ trương đầu tư một số nhà máy sản xuất gạch tuynel mới. Như vậy, sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến những dự án sản xuất gạch không nung- chủ doanh nghiệp này phàn nàn.
Cần những giải pháp đột phá
Rõ ràng việc tìm những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay trong phát triển vật liệu xây không nung đang là yêu cầu bức thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy chương trình phát triển vật liệu xây không nung.
Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung, đồng thời tích cực kiểm tra, không để phát sinh thêm cơ sở sản xuất gạch nung thủ công mới trên địa bàn...
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Nguyễn Đức Tuy bày tỏ quan điểm, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với các cơ sở sản xuất gạch nhận thức rõ ưu điểm và lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung; giới thiệu những mô hình công nghệ phù hợp với điều kiện nguồn nguyên vật liệu sẵn có để tiết kiệm chi phí chuyển đổi đầu tư sản xuất; xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và chính sách ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiên phong chuyển đổi ứng dụng công nghệ mới không nung.
Song song đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và khen thưởng các cơ sở đầu tư công nghệ mới, xử lý các cơ sở sản xuất theo lối truyền thống, gây ô nhiễm môi trường. Có chế tài xử lý cụ thể đối với các dự án, công trình không thực hiện đúng quy định về sử dụng vật liệu xây không nung - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Nguyễn Đức Tuy nhấn mạnh.
Thành Hưng