Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng này, thời gian qua, tỉnh ta chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Là một hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại, thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Với sự phát triển của mạng lưới viễn thông, Internet, sự ra đời của nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến và xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến đã tạo điều kiện để tỉnh ta thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.
Theo đó, ngành Công thương phối hợp với các ngành liên quan và địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của thương mại điện tử đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội; phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng khả năng, điều kiện của từng đơn vị. Nhờ đó, những năm gần đây, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét.
|
Hiện tại, toàn tỉnh có gần 500 dịch vụ sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP của 278 tổ chức, cá nhân được cập nhật, giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh-https://kontumtrade.gov.vn. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum hoạt động trên hệ thống sàn thương mại điện tử tỉnh được hỗ trợ 100% chi phí tham gia các hoạt động trên sàn.
Bên cạnh đó, nhằm giúp khách hàng tìm hiểu cụ thể về các sản phẩm, Sở Công thương đã triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code đối với 96 sản phẩm của 49 đơn vị trên hệ thống https://etrace.kontum.vn.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đưa hàng trăm mặt hàng nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như http://voso.vn, https://postmart.vn... Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên nền tảng Internet.
Khi đưa sản phẩm lên các sàn, trang thương mại điện tử, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm ra với khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi theo hướng gia tăng mua sắm trực tuyến; hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát huy tốt vai trò trong kết nối cung cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, thương mại điện tử là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, nên vẫn còn nhiều cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Các trang thương mại điện tử của tỉnh chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quảng bá, chứ chưa thực sự phát triển về giao dịch; việc đưa sản phẩm của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử còn nhỏ lẻ, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của cả nước nên hiệu quả mang lại không cao.
|
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp Kon Tum là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, quy mô hạn chế, năng lực tài chính hạn hẹp, nên chưa chú trọng nhiều đến việc khai thác và phát triển thương mại điện tử và gặp nhiều khó khăn khi triển khai hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong thương mại điện tử.
Vì vậy, để đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, các cấp, các ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng có chất lượng trên địa bàn tỉnh vào hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử, tham gia triễn lãm trực tuyến, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hỗ trợ để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới về trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Mục tiêu tỉnh ta đề ra là đến năm 2025 có khoảng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa giao dịch trên môi trường trực tuyến đạt 100 USD/người/năm; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp- người tiêu dùng tăng 25%/ năm, chiếm khoảng 10% so với mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; gắn thương mại điện tử với các hoạt động xuất nhập khẩu, phấn đấu giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp- doanh nghiệp chiếm 10-15% kim ngạch xuất khẩu. 80% website thương mại điện tử của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến; 40-50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Thương mại điện tử là hoạt động quan trọng của nền kinh tế số, là xu thế tất yếu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Việc đầu tư phát triển, khai thác ưu thế thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thùy Hương