XÃ MĂNG CÀNH:
Phát triển mô hình trồng tre lấy măng
Qua 4 năm triển khai, xã Măng Cành đã có gần 30ha tre lấy măng. Chăm sóc tốt, sau 2 năm tuổi, mỗi cây tre cho thu hoạch từ 15–20kg măng/năm, với giá bán 15.000 đồng/kg thì 1 ha (mật độ 25 gốc/sào) cho thu nhập từ 50 – 75triệu đồng/năm.
|
Năm 2010, Phòng NN & PTNT huyện Kon Plông phối hợp với xã Măng Cành (huyện Kon Plông) triển khai mô hình trồng tre lấy măng để tận dụng diện tích đất hoang hóa, đất ven suối.
Đến nay, qua 4 năm triển khai, xã Măng Cành đã có gần 30ha tre lấy măng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Ông Phan Ngọc Vinh – Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Năm 2010, từ nguồn vốn của Chương trình 135 và 102, Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con triển khai mô hình tre lấy măng. Diện tích 22ha đem vào trồng tre lấy măng của bà con là đất ven suối, đồi núi, rất khó trồng những loại cây khác.
Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 100% tre giống, vật tư phân bón trong những năm đầu và tiếp tục được hướng dẫn và hỗ trợ trong những năm sau.
Đến nay, số diện tích đầu tư trồng năm 2010 đã thu hoạch được 2 vụ (từ tháng 6 đến hết tháng 9 hàng năm) và cho thu nhập đáng kể đối với bà con trên địa bàn xã Măng Cành.
Với những hộ chăm sóc tốt, sau 2 năm tuổi, mỗi cây tre cho thu hoạch từ 15–20kg măng/năm, với giá bán 15.000 đồng/kg thì 1 ha (mật độ 25 gốc/sào) cho thu nhập từ 50 – 75triệu đồng/năm. Năm 2013, bà con còn tự nhân giống để mở rộng diện tích, đến nay toàn xã có gần 30ha trồng tre lấy măng.
Ông A In (56 tuổi) ở thôn Kon Chênh cho biết: Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi tận dụng hơn 4 sào đất bỏ hoang để trồng tre lấy măng. Tre lấy măng dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón và rất hiếm khi có sâu bệnh, có thể tận dụng mọi mảnh đất thừa, đất hoang hóa, đất dốc ở cuối vườn, nương rẫy để trồng.
Ông cho biết thêm, mỗi năm ông thu được 1,5 tấn, với giá bán 15.000 đồng/kg, bình quân thu về hơn 20 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn so với việc để đất bỏ hoang như trước kia, nhờ nó mà ông có vốn để đầu tư thêm vào trồng và phát triển cây cà phê xứ lạnh Catimo.
Nhiều người dân ở Măng Cành đã có thêm thu nhập từ măng tre, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, việc trồng tre lấy măng còn góp phần sử dụng đất hiệu quả, cải thiện môi trường, tăng độ che phủ đất giúp phủ xanh đất trống trên địa bàn.
Để mô hình này phát huy hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông huyện dự tính sẽ hỗ trợ người dân xây dựng lò sấy để sấy măng khô bảo quản lâu dài.
Hoàng Anh Hoa