Phát triển kinh tế, xã hội- nhìn từ khai thác nguồn lực đất đai
Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, từ đó tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, từng bước khai thác hợp lý, hiệu quả, chuyển đất đai từ tài nguyên thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội...
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - A Byot, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thực hiện tốt việc quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở quy hoạch, nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, như các dự án thủy điện, khu công nghiệp, khu đô thị nam cầu Đăk Bla, các dự án phát triển hạ tầng..., đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân và tạo nên diện mạo mới trong phát triển đô thị.
Quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được khai thác khá triệt để, hợp lý và hiệu quả; đất phi nông nghiệp được sử dụng đúng yêu cầu, mục đích. Việc bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư đô thị và nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói chung và đất đai nói riêng, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã hoàn thành việc lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)...
Đây là cơ sở để tỉnh Kon Tum hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng bảng giá đất 5 năm, giá đất cụ thể được chủ động triển khai kịp thời, phục vụ tốt yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Công tác phát triển quỹ đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất bước đầu đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, hộ gia đình, tăng nguồn thu ngân sách địa phương; việc giao đất, cho thuê đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh.
Một nội dung được ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đặc biệt chú trọng trong thời gian qua là tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thực hiện một cửa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng đất thực hiện các giao dịch có liên quan; cải thiện chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước); tập trung khai thác quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả đưa vào sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý, góp phần cân bằng quỹ đất sử dụng vào các mục đích theo yêu cầu phát triển các mục tiêu kinh tế -xã hội của địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - A Byot, hiện nay tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện công cụ quy hoạch để phân bổ hợp lý tài nguyên đất đai phù hợp với tiềm năng thế mạnh, tạo không gian liên kết kinh tế, tương hỗ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển giữa các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động, điều tiết nguồn lực từ đất đai cũng như điều kiện, chế tài để đảm bảo thực hiện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng nhà nước bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng nhưng không thu được gì từ giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng mang lại.
Cùng với đó là hoàn thiện, đổi mới toàn diện chính sách về kinh tế, tài chính đất đai theo các nguyên tắc thị trường…; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất để các quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai.
|
Về phía ngành chức năng, ông A Byot cho biết, quan điểm rất rõ ràng là phải công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả gắn với giải quyết hợp lý việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo phải tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn- ông A Byot nhấn mạnh.
Cũng theo ông A Byot, cùng với việc tạo chuyển biến về quản lý đất đai từ khâu quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đến giao đất, cho thuê đất, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao.
Để làm được điều này, trước hết cần phải đầu tư nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng mở; tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh….
Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua, tôi tin rằng trong năm 2018, tài nguyên đất đai của tỉnh tiếp tục được khai thác hợp lý, tạo nên nguồn lực mạnh mẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra- ông A Byot nhận định.
Bài, ảnh: Thành Hưng