Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; Vẫn còn những khoảng trống
Chế biến nông sản là ngành nghề chủ lực của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như cao su, mì, cà phê. Song dù được coi là thế mạnh, nhưng hàng hóa hầu hết mới chỉ sơ chế, gia công, mẫu mã chưa phong phú...
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản là ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công tại chỗ rẻ, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên, sản phẩm chế biến phần lớn dừng lại dạng thô, lượng sản phẩm tinh chế còn ít, giá trị sản phẩm không cao.
Theo ước tính của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, song phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, các sản phẩm chế biến hàng năm đều tăng về lượng và chất. Trên địa bàn cũng đã hình thành một số cơ sở chế biến có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
|
Đặc biệt, từ năm 2011, khi thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum đến năm 2020”, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm có nguồn nguyên liệu ổn định và là thế mạnh của tỉnh như chế biến cao su, cà phê, tinh bột sắn; nhờ đó, lĩnh vực chế biến nông, lâm sản đã có những bước khởi sắc đáng kể, nhiều nhà máy được xây dựng, các doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực trong việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị cho dây chuyền sản xuất...
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, phần lớn các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, năng lực sản xuất hạn chế; các sản phẩm vẫn chủ yếu là sản xuất dưới dạng thô, chưa tập trung cho tinh chế; chất lượng thấp, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu riêng.
Mặc dù, tỷ lệ nông sản của tỉnh đã qua chế biến hiện đạt khá cao như: cao su đạt 100%, mì 70%, cà phê qua xay xát thành cà phê nhân đạt 90%; song về chế biến sâu, chế biến tinh đạt tỷ lệ rất thấp, số lượng các nhà máy tham gia chế biến sâu của nông sản như sản xuất các sản phẩm từ cao su, sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan, sản xuất cồn ethanol... còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo đó, đối với ngành sản xuất cà phê, hiện nay các doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu vào hoạt động phơi khô, bóc vỏ, đánh bóng và xuất khẩu cà phê nhân. Đến năm 2015, tổng sản lượng cà phê nhân của toàn tỉnh sản xuất đã đạt mức trên 30.000 tấn.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan, tuy nhiên sản lượng bán ra trên thị trường còn rất khiêm tốn, năm 2015 chỉ đạt trên 500 tấn, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong ngành hàng này.
Những con số này cho thấy, cà phê được chế biến sâu vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chiếm tỷ trọng quá khiêm tốn; do đó, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tại những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Về sản phẩm cao su, toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp chế biến mủ cao su. Trong các năm qua, sản lượng mủ cao su liên tục tăng cao, nếu như năm 2010, sản lượng cao su chế biến của toàn tỉnh chỉ đạt trên 23.000 tấn, thì đến nay đã đạt khoảng 50.000 tấn.
Thế nhưng, hoạt động chế biến chủ yếu chỉ dưới dạng mủ tờ, mủ cốm dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, chưa có nhà máy chế biến sản phẩm từ mủ cao su nên chưa có các sản phẩm có giá trị cao.
Đối với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ mì, hiện nay các doanh nghiệp ngoài sản xuất ra tinh bột sắn, trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy sản xuất ra cồn ethanol nhưng sản lượng không đáng kể chỉ đạt khoảng 50 tấn/năm, còn sản phẩm tinh bột vẫn là chủ đạo với sản lượng năm 2015 đạt khoảng 100.000 tấn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến lâm sản của tỉnh hiện tại mới chỉ có sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, nhưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu không ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm.
Theo nhận xét của ngành Công thương, khách quan nhìn nhận, sức cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của tỉnh ta rất yếu so với các địa phương khác trong cả nước bởi hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều yếu và thiếu về năng lực, công nghệ lạc hậu, quảng bá thương hiệu kém và công tác xúc tiến thương mại chưa được chú trọng.
Ông Bùi Văn Cư – Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét: Chế biến nông sản là ngành nghề chủ lực của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như cao su, mì, cà phê. Song dù được coi là thế mạnh, nhưng hàng hóa hầu hết mới chỉ sơ chế, gia công, mẫu mã chưa phong phú, đặc biệt sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu nên xuất khẩu chủ yếu vẫn phải qua trung gian hay ủy thác xuất khẩu, nên giá trị xuất khẩu thường không được tính cho địa phương. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh còn thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng chưa cao, chính sách và hành lang pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng chưa đủ mạnh…
Để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển, từng bước lấp đầy khoảng trống, giảm bớt hạn chế; cùng với việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu; ngành Công thương cũng đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này triển khai mở rộng các cơ sở chế biến. Trong đó, chú trọng việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp.
Đồng thời, ngành Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu...
Thiên Hương