Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, hiện nay tỉnh còn chú trọng phát triển thêm nhiều cây dược liệu khác. Địa bàn được tỉnh chú trọng phát triển cây dược liệu là huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo đoàn công tác của tỉnh, chúng tôi đến thăm trang trại của anh Hà Văn Đại (dân tộc Thái) ở thôn Măng Đen, xã Đăk Long (huyện Kon Plông). Anh Đại phấn khởi khoe: Vùng đất Măng Đen có khí hậu lạnh phù hợp với việc phát triển cây dược liệu. Hai cây trồng được anh đầu tư phát triển mạnh trong trang trại là đương quy và sâm dây (hồng đẳng sâm).
Không giấu giếm, Đại kể rằng mình đầu tư phát triển cây dược liệu từ 4 năm nay và đem lại cho anh lợi nhuận khá cao. “Trồng đương quy sau 13 tháng thu hoạch củ. Bình quân 1ha đương quy cho 15 tấn củ tươi. Với giá bán bình quân 80 nghìn đồng/kg củ tươi, tính ra thu 1,2 tỷ đồng/ha đương quy. Trừ 50% chi phí đầu tư, gia đình lãi 600 triệu đồng/ha đương quy”- Đại chia sẻ.
|
Anh Đại cho biết thêm, đương quy trồng ở đây chất lượng củ được các khách hàng đánh giá cao, còn sâm dây cũng phát triển tốt. Trồng sâm dây hai năm thu hoạch một lần, năng suất bình quân đạt 10 tấn củ tươi/ha. Giá bán 90 nghìn đồng/kg củ tươi. Trừ hết chi phí đầu tư, anh lãi ròng 450 triệu đồng/ha sâm dây.
Vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen), chúng tôi được biết Trung tâm cũng đang phát triển nhiều loại dược liệu.
Anh Nguyễn Văn Hoàng- cán bộ phụ trách kỹ thuật ở đây cho biết, Trung tâm hiện đang phát triển lan kim tuyến (kim cương), sâm dây, ba kích và xạ đen. Đặc biệt, cây lan kim tuyến và sâm dây được phát triển và nhân rộng theo hình thức nuôi cấy mô. Việc sản xuất được thực hiện theo quy trình công nghệ của Israel trong nhà kính với hệ thống phun sương tự động. Cây dược liệu sinh trưởng tốt.
|
Thấy được tiềm năng cây dược liệu, nhiều doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển dược liệu ở huyện Kon Plông như: Dự án du lịch sinh thái và nuôi trồng cây dược liệu (Công ty CP Huỳnh Tân); Dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi dê sữa công nghệ cao (Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen); Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp với du lịch sinh thái (Công ty TNHH Vinh Quang)…
Bàn về hỗ trợ cho dân phát triển cây dược liệu, ông Trương Ngọc Truyền- Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông thông báo tin vui: Công ty CP dược liệu Măng Đen hỗ trợ đầu tư giống, chuyển giao kỹ thuật cho dân trồng 30 ha nghệ ở các xã Ngọc Tem, Đăk Long, Măng Cành và Đăk Tăng; Công ty TNHH Sơn Trung Du cũng đầu tư giống, chuyển giao kỹ thuật cho dân trồng 30ha cà gai leo ở xã Măng Cành và Đăk Tăng. Cả hai công ty này đều bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Theo ông Lê Đức Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, việc phát triển từng loại cây dược liệu và địa bàn trồng dược liệu được huyện xác định cụ thể. Hiện có 18 dự án liên quan đến việc đầu tư trồng và phát triển dược liệu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhà máy, cơ sở chế biến dược liệu nào được đầu tư trên địa bàn huyện.
Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi còn được biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các sở có liên quan, UBND huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế để xây dựng Đề án đầu tư, phát triển, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm lâm tỉnh đang phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát thực tế và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong việc xây dựng Đề án đầu tư, phát triển, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng Đề án này đặt ra một cách cấp bách, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang nỗ lực cao nhất để tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND tỉnh Đề án đầu tư, phát triển, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh một cách khả thi và sớm nhất.
Văn Nhiên