Phát huy “đầu tàu” đầu tư công
Đầu tư công, với tư cách là hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, được xem là “đầu tàu” dẫn dắt và thu hút nguồn lực xã hội. Vì vậy, đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công chính là tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư công góp phần từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ.
Vai trò của đầu tư công càng trở nên đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, vùng DTTS thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
|
Thực tế từ tỉnh ta cho thấy rất rõ vai trò của đầu tư công. Là một tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 54%, nhưng Kon Tum đã và đang vươn mình trỗi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một vùng đất có vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, Núi - Biển.
Từ khi thành lập lại (tháng 8/1991) đến nay, tốc độ tăng trưởng của tỉnh hàng năm luôn đạt mức khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên; riêng năm 2023 đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực cả về chất và lượng; mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hạ tầng kinh doanh thương mại có sự phát triển rộng khắp.
Động lực của sự phát triển vượt bậc ấy, bên cạnh quyết tâm và nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, không thể không có vai trò đặc biệt quan trọng của đầu tư công, hiện diện trên từng công trình, dự án.
Không chỉ cơ bản bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng đồng bào DTTS và các vùng khó khăn khác, bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, y tế, đầu tư công còn phát huy vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong nhân dân.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh là 20.468,9 tỷ đồng, chiếm 76,13% trong tổng nguồn vốn đầu tư của năm. Trong đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp là 12.056,7 tỷ đồng; vốn đầu tư của các hộ gia đình là 8.412,2 tỷ đồng.
|
Tuy nhiên, thực tế triển khai đầu tư công các năm cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc, có tác động tiêu cực đến phát huy vai trò “đầu tàu” của đầu tư công. Bao gồm việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Hay việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.
Đáng chú ý là tình trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm diễn ra hàng năm, kéo dài từ nhiều năm nay. Và cho đến nay, vì nhiều lý do mà tình trạng "có tiền mà không tiêu được" trong đầu tư công vẫn chưa được giải quyết.
Như trong năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tỉnh giao là gần 3.954 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 20/5, mới giải ngân được 461 tỷ đồng, đạt khoảng 20% so với thực nguồn địa phương giao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu vẫn là việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao.
Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.
Cần khẳng định rằng, đầu tư công là “đầu tàu” của tăng trưởng kinh tế-xã hội. Vì vậy, để phát huy vai trò “đầu tàu” ấy, cần xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong đó, các sở ngành, cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước kịp thời,, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công.
Quyết liệt giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình MTQG theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, gây thất thoát, lãng phí.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hồng Lam