Phân biệt hàng thật, hàng giả - Khó lắm thay!
Tình trạng hàng giả, hàng nhái đã và đang trở thành một vấn nạn khiến các cơ quan quản lý đau đầu, người tiêu dùng gặp khó trong việc lựa chọn hàng hoá. Việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hiện đại được xem như một cứu cánh giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả thì lại đang tồn tại nhiều bất cập.
Khó phân biệt hàng thật, hàng giả
Vừa qua, tại Hội chợ Công thương khu vực Tây Nguyên, có một gian hàng đặc biệt bởi hàng hoá chỉ để trưng bày chứ không mua – bán, đó là gian hàng trưng bày hàng thật – hàng giả của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Gian hàng trưng bày khá nhiều loại hàng hoá từ túi xách, máy tính cầm tay casio, một số loại rượu, nước ngọt, mỹ phẩm... cứ bên cạnh sản phẩm thật là một vài loại sản phẩm giả nhằm để giới thiệu và giúp người dân hiểu, phân biệt được hàng chính hãng, hàng nhái.
|
Tuy nhiên, nhìn một lượt qua các mặt hàng, chúng tôi phải thừa nhận rằng các loại hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, và thực sự nếu chỉ bằng cảm quan thông thường, người tiêu dùng rất khó để có thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Bởi chúng rất giống nhau từ kiểu dáng, đến màu sắc, nhãn hiệu...
Chị Phan Thị Thảo (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) thốt lên: Hàng hóa thật thật giả giả thế này thì chỉ có… trời mới phân biệt được. Thậm chí, có những mặt hàng như máy tính casio cầm tay hay giày nike giả còn có vẻ bóng bẩy hơn, sắc nét hơn sản phẩm thật nên người dân nhầm lẫn cũng là lẽ thường tình.
Ngạc nhiên hơn, mặt hàng chính hãng thường chỉ có một vài mẫu sản phẩm thì các loại hàng nhái có rất nhiều loại. Nhiều người dân dù rất cẩn thận khi đi mua hàng, xem nhãn mác, bao bì, thông số in cụ thể trên nhãn, mác nhưng quả thực trước một “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như hiện nay thì rất khó tránh khỏi việc mua phải hàng rởm.
Chị Hạnh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Đầu năm 2014, chị bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua chiếc điện thoại Iphone 5S của hãng Apple. Cứ đinh ninh mình mua được điện thoại xịn, chính hãng, ai ngờ đến khi chiếc điện thoại trở chứng, chị mang ra hãng để sửa mới biết thực ra mình mua phải chiếc điện thoại giả chứ không phải hàng chính hãng 100% như số tiền đã bỏ ra. Vừa tiếc tiền, vừa bực mình, chị nghĩ đúng là không biết được đường nào mà lần.
Theo một số cán bộ quản lý thị trường thì trên thực tế, hễ sản phẩm nào tung ra thị trường thì ngay lập tức bị làm giả, từ cây kim sợi chỉ cho đến phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử điện máy. Hàng giả ngày càng được làm nhái một cách tinh vi khiến cho người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong mua bán.
Sử dụng công nghệ - liệu có đáng tin?
Để đối phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, nhiều người tiêu dùng đã sử dụng các phần mềm quét mã vạch như barcode, QR Reader để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi mua hàng.
Rất nhiều người tỏ ra khá tin tưởng vào việc sử dụng các phần mềm này. Tuy nhiên, với kiểu “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, việc sử dụng công nghệ liệu có thực sự đáng tin?
Vậy mã số mã vạch là gì? Hiểu một cách nôm na, đây là chìa khóa dẫn đến kho dữ liệu mà các nhà sản xuất ấn định cho sản phẩm và dùng các thiết bị máy quét có thể đọc được. Dựa trên cơ sở đó, khi người tiêu dùng sử dụng các phần mềm dùng để quét mã vạch bằng điện thoại thông minh soi vào hàng hoá sẽ cho ra tất cả các thông tin từ nhà sản xuất, giá cả, thành phần...
Tuy nhiên, hiện nay, với thủ thuật làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, các đối tượng làm ăn bất chính có thể làm giả được mọi loại hàng hoá thì chuyện làm giả mã số, mã vạch giống sản phẩm chính hiệu cũng không có gì là khó.
Thực tế, trên internet hiện nay có nhiều công cụ giúp tạo mã vạch miễn phí. Chỉ cần lên Google và tìm từ khoá “tạo mã vạch” có tới hàng ngàn các trang web, công cụ giúp tạo mã vạch giả cho đủ các thể loại mã từ UPC, EAN đến Code 128. Người làm giả chỉ cần biết được thông tin mã vạch là có thể tạo ra một mã vạch giống trên bao bì sản phẩm và in ra để dán lên hàng giả và hàng nhái nên chuyện tạo ra mã vạch giả cũng chẳng có gì là khó.
Hơn nữa, dãy mã vạch được in trên bao bì sản phẩm cũng chỉ có thể giúp người tiêu dùng kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa như sản xuất ở nước nào, công ty sản xuất, chứ hoàn toàn không có chức năng để phân biệt hàng thật hàng giả.
Chưa kể, hiện nay, nhiều nhà sản xuất thường xuyên thay đổi mẫu mã, bao bì và với mỗi mẫu mã và một lô sản xuất thì thường sẽ có một mã vạch khác nhau, nên khi người dân sử dụng điện thoại quét mã vạch, nhưng các phần mềm quét mã vạch chưa cập nhật kịp thì cũng không cho ra kết quả.
Đến thời điểm này chưa có một hướng dẫn cụ thể nào được xem như “cẩm nang mua sắm” để người tiêu dùng dựa vào đó né tránh bẫy hàng giả. Các cơ quan chức năng cũng chỉ khuyến cáo người tiêu dùng cần thông thái, tìm đến những điểm mua sắm uy tín, xem kỹ thông tin sản phẩm trên bao bì... Nhưng trước ma trận hàng giả, hàng nhái như hiện nay thì việc phân biệt vẫn là một bài toán khó.
Thiên Hương