Nông dân vui mừng đón những cơn mưa sớm
Những ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa đầu mùa trên diện rộng tại hầu hết các địa phương. Đây được xem là những cơn mưa “vàng” không chỉ làm “hạ nhiệt” cái nắng oi bức, mà còn góp phần cung cấp lượng nước quan trọng cho cây trồng, giúp nông dân giảm được rất nhiều chi phí bơm tưới.
Trước hết phải nói tới người trồng cà phê, những cơn mưa lớn trong thời gian này có thể nói đã mang lại nhiều lợi ích, góp phần tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc tưới nước, chăm bón.
Ông Hồ Văn Hoài (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) cho biết: Bình quân mỗi mùa nắng, người trồng cà phê phải tưới 4 đợt thì trời mới mưa, còn năm nào hạn hán thì phải tưới đến 5 đợt, thậm chí 6 đợt, mỗi đợt tưới cách nhau từ 20 - 25 ngày. Nhưng năm nay mưa sớm nên hầu hết người trồng mới chỉ tưới 2 - 3 đợt, mưa lớn và mưa liên tục giúp cung cấp một lượng nước khá dồi dào cho cây cà phê phát triển, giảm bớt nhiều công sức tưới nước.
|
Theo những người trồng cà phê tính toán, cứ mỗi đợt tưới nước tiền xăng dầu, công tưới và chi phí khác, bình quân mỗi héc ta cà phê, người dân phải tốn ít nhất là 3-4 triệu đồng. Như vậy, với hàng ngàn hộ trồng cà phê, những cơn mưa sớm đã làm lợi hàng tỷ đồng cho họ.
Với diện tích cây trồng vụ đông - xuân, đợt mưa sớm này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ cung cấp một lượng nước tưới dồi dào, giúp giảm bớt chi phí bơm tưới cho ngành nông nghiệp, mà còn giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tươi hơn nhờ lượng đạm có sẵn trong nước mưa.
Có mặt tại cánh đồng Tân Điền (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) sau vài cơn mưa đầu mùa, chúng tôi thấy rõ những ruộng lúa đang thì con gái đầy ắp nước, ruộng nào cũng xanh tươi, mướt mát hơn hẳn thời điểm trời chưa có mưa. Nhiều nông dân đang tranh thủ bón phân, làm cỏ. Nỗi lo thiếu nước, nhất là với những chân ruộng cao của nông dân dường như đã được xua tan. Xã Đoàn kết cũng vận động người dân tập trung chăm sóc lúa để đảm bảo cây lúa phát triển theo lịch thời vụ.
Mưa sớm còn tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân tiếp tục xuống giống các loại cây trồng khác như mì, bắp, đậu... Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân đã bắt đầu xuống giống, trồng mì; gặp thời tiết thuận lợi như thế này sẽ giúp cho cây mì lên nhanh và đều hơn.
Chị Y Brưnh (thôn Kon Hra Kơtu, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum) cho biết: Nhà mình có gần 1ha rẫy đã cày đất để khô rồi, chỉ đợi mưa xuống là trồng mì thôi, may quá, đợt này có mưa nên mình sẽ tranh thủ xuống giống luôn. Năm nay đầu vụ mưa thuận gió hoà, chỉ mong cả năm thời tiết ủng hộ để bà con được mùa.
Không chỉ bổ sung nước tưới cho cây trồng, mà những cơn mưa còn làm “mát lòng” nhiều hộ gia đình sinh sống ở các khu vực thường thiếu nước sinh hoạt vào khô. Tiêu biểu như tại xã Hoà Bình (thành phố Kon Tum), mọi năm cứ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 là nhiều gia đình trong xã lại thấp thỏm lo lắng vì phải đối mặt với tình trạng giếng nước cạn kiệt không đủ cung cấp nước dùng. Nhưng năm nay, người dân có phần thở phào nhẹ nhõm vì những cơn mưa lớn liên tục mấy ngày qua đã bổ sung thêm lượng nước ngầm rất cần thiết cho các giếng nên hầu chưa có vùng nào bị hạn, thiếu nước cả.
Có thể nói, những cơn mưa đầu mùa đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân lơ là việc phòng chống hạn hán bởi hiện tại vẫn đang là mùa khô nên việc chủ động thực hiện các giải pháp chống, né hạn là việc làm cần thiết để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân.
Thiên Hương