Nông dân tự mổ heo bán thịt để cứu mình
Thương lái thu mua với giá rất thấp, nếu chờ tăng giá thì heo quá lứa càng khó bán hơn, nên nhiều hộ chăn nuôi đã tự mổ heo bán thịt. Đây là giải pháp tự cứu lấy mình của người nuôi heo với hy vọng lấy lại được ít vốn đầu tư.
Thời gian qua, giá thịt heo trên cả nước xuống thấp chưa từng có, ở nhiều nơi, chiến dịch “giải cứu” heo đã được thực hiện nhưng tình hình không mấy khả quan. Chung cảnh ngộ này, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, giá heo hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh ở mức 28.000 – 30.000 đồng/kg. Heo rẻ, nguồn cung dư thừa, thương lái hạn chế mua và tìm mọi cách ép giá khiến khó khăn chồng chất khó khăn với người nuôi heo.
Điều đáng nói hơn là trong khi giá heo hơi rẻ mạt thì giá thịt heo bán trên thị trường không thay đổi so với thời điểm giá heo ở mức 45.000 – 48.000 đồng/kg, có chăng tiểu thương cũng chỉ điều chỉnh xuống vài ngàn đồng/kg cho có lệ.
Trước tình thế này, nhiều hộ chăn nuôi đã chọn cách tự giết mổ heo mang ra lề đường, khu vực có đông người qua lại để bán. Với giá bán trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/kg thịt heo (tuỳ loại), nông dân vẫn đỡ thua thiệt hơn so với bán heo cho thương lái.
Gần 1 tháng nay, gia đình chị Hồ Thị Thuý (thôn 6, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) ngày nào cũng mổ 2 con heo mang xuống các khu vực đường Bà Triệu và Hoàng Thị Loan (thành phố Kon Tum) để bán.
Giá thịt heo được chị Thuý bán ra khá mềm như thịt đùi, sườn chỉ 60.000 đồng/kg, các loại thịt còn lại bán giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá bán tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Rất nhiều người đi qua thấy thịt tươi, ngon đều mua ủng hộ chị, nhiều người còn giới thiệu bạn bè, người thân đến mua; một số gia đình còn tạo điều kiện cho chị trải bạt, kê ghế ngồi bán thịt...
|
Chị Thuý chia sẻ: Nhà tôi nuôi 10 con heo nái, heo mẹ đẻ được bao nhiêu đều để nuôi. Bao nhiêu năm nay gắn bó với nghề này, có bao giờ gia đình tôi phải lâm vào cảnh khó khăn như thế này đâu, heo đến lứa xuất chuồng, gọi thương lái vào bán họ chỉ nhìn rồi “phán” một câu “heo xấu, không mua” rồi bỏ đi. Càng nuôi thì càng lỗ, vì vậy, gia đình bàn nhau tự mổ heo mang xuống thành phố Kon Tum bán, nhưng ra chợ thì sợ người ta làm khó dễ vì cho rằng mình bán phá giá nên hằng ngày hai vợ chồng chia nhau ra 2 điểm bán ở dọc lề đường.
“Cực chẳng đã mới phải làm thế này thôi cô ơi, chứ heo quá lứa lâu lắm rồi, để lại chẳng biết thương lái họ có mua cho không mà nếu có mua thì chắc cũng bị ép giá đến mức thấp nhất nên mình đành phải tìm cách cứu mình trước.” - chị Thúy than thở.
Mỗi ngày chị Thuý chở 2 con heo tới lò mổ để thịt, tính đến nay, đàn heo đến lứa xuất chuồng của gia đình chị đã tiêu thụ được gần 50 con. Trong chuồng nhà chị còn gần 50 con nữa, chị tính toán thôi thì cứ mổ heo bán dần nếu có lỗ cũng không bao nhiêu, có khi còn hoà được vốn, chứ bán cho thương lái sẽ cầm chắc khoản lỗ từ 500.000 – 70.000 đồng/con (tuỳ trọng lượng).
Cũng như chị Thuý, gia đình ông Nguyễn Văn Giáo (làng Kon Xút, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) cũng tự tìm cách “giải cứu” cho đàn heo của mình bằng việc mổ heo mang vào nội thị để bán cho người dân.
Vừa nhanh tay cắt thịt bán cho khách, vợ ông Giáo vừa chia sẻ: Nhà tôi làm máy xát gạo nên tận dụng được lượng cám dư thừa và mua thêm các phụ phẩm nông nghiệp của bà con trong làng nuôi mỗi lứa vài chục con heo. Mọi khi, heo nuôi ra đến đâu thương lái vào cân đến đó, nhưng đợt này rẻ quá họ cứ chần chừ rồi chê đủ kiểu nhằm hạ giá bán. Tiếc heo ngon, vài ngày hai vợ chồng lại mổ một con bán cho bà con, anh em, còn bao nhiêu mang vào trong phố bán cho người dân để đỡ thua thiệt.
Trong cơn bĩ cực của người chăn nuôi, rất nhiều người dân, nhất là các bà nội trợ cũng sẵn sàng ủng hộ. Nhờ đó mà các tiểu thương “tay ngang” luôn róc hàng.
Chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho rằng: Thay vì mua thịt của tiểu thương ở chợ thì giờ mình chuyển sang mua trực tiếp của những người dân họ làm bán. Như vậy, mình vừa mua được thịt rẻ, vừa là cách ủng hộ giúp nông dân tiêu thụ được heo để họ đỡ khổ.
Có thể nói, không có nông dân nào muốn vừa nuôi heo vừa đi bán thịt cả, nhưng trong lúc khó khăn họ đành tìm cách tự cứu mình với mong muốn bớt thua lỗ đồng nào hay đồng ấy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức giết mổ, bày bán thịt để người tiêu dùng yên tâm mua thịt chia sẻ khó khăn với họ.
Bài, ảnh: Thiên Hương