Nông dân gặp khó vì cà phê, hồ tiêu mất giá
Giá tiêu chỉ còn từ 60.000 – 65.000 đồng/kg, giá cà phê nhân vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ 35.000 – 36.000 đồng/kg. Việc hồ tiêu, cà phê trượt giá mạnh khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.
Giá tiêu chưa thấp thế bao giờ
Những ngày gần đây, giá hồ tiêu trên thị trường tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 60.000 - 65.000 đồng/kg, giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với những ngày đầu năm 2018; giảm gần một nửa so với vụ trước. Và giá hồ tiêu hiện đang ở mức thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Dự báo, xu hướng giá thấp có thể sẽ còn duy trì trong năm 2018.
|
Không chỉ rớt giá mạnh, theo một số người dân trồng tiêu năng suất vụ này dự kiến cũng bị giảm sâu. Nguyên nhân là do năm nay thời tiết bất thường, mưa nhiều, khiến độ ẩm tăng cao, hồ tiêu bị nhiễm bệnh, chết cây...
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến giá tiêu “lao dốc” ngoài yếu tố chất lượng, còn bởi trên thị trường cung đã vượt cầu.
Trên thực tế, năm 2016 về trước, giá tiêu hạt luôn ở mức cao, khoảng 180.000- 200.000 đồng/kg, sau đó, tuy có giảm nhưng vẫn đảm bảo cho lợi nhuận cao. Trong khi đó, một số loại cây trồng khác cho thu nhập thấp, khiến nhiều hộ nông dân khắp nơi, trong đó có nông dân tỉnh ta đổ xô sang trồng hồ tiêu làm cho diện tích trồng hồ tiêu tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch.
Theo ước tính của ngành Nông nghiệp , tính đến hết năm 2017 tổng diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 344ha; diện tích đã cho thu hoạch khoảng 135ha, chủ yếu là người dân phát triển tự phát trong khoảng 4 năm trở lại đây. Trong khi theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì tỉnh ta được quy hoạch ngoài vùng trọng điểm với diện tích chỉ 100ha. Như vậy, với diện tích thực tế hiện nay đã vượt xa so với quy hoạch.
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước từng nhiều lần đưa ra khuyến cáo, vạch rõ quy hoạch diện tích tiêu, song vì ham lợi nhuận, người dân vẫn làm ngơ, phát triển diện tích trồng tự phát.
Dễ thấy, “mất mùa, mất giá” chính là cái giá đắt mà người trồng hồ tiêu đang phải trả cho những sai lầm trong phát triển ồ ạt, không có định hướng.
Đáng chú ý hơn, hệ lụy này không chỉ phải gánh trong năm nay mà có khả năng kéo dài cả những năm sau nữa, bởi khi tiêu mất mùa, mất giá, bà con nông dân không có chi phí để đầu tư cho vụ sau, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và sản lượng.
Ngậm ngùi giá cà phê
Thời gian qua, giá cà phê trên thị trường luôn duy trì ở mức rất thấp khiến cho vụ cà phê năm nay dù được mùa nhưng người trồng vẫn kém vui. Hiện tại, giá cà phê nhân xô chỉ ở mức 35.000 – 36.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg so với khi bắt đầu vụ thu hoạch.
|
Ông Hồ Văn Hoài (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Năm nay, cà phê trúng mùa hơn năm ngoái, cuối tháng 10/2017, khi quả cà phê bắt đầu chín bói, giá cà phê nhân lên tới 42.000 – 43.000 đồng/kg, người dân ai cũng hy vọng một vụ cà phê được mùa được cả giá. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi bước vào thu hoạch rộ, giá cà phê liên tục tuột dốc, giảm dần, giảm dần đến trung tuần tháng 12/2017 thì rớt xuống chỉ còn khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg. Đến giờ, mặc dù vụ thu hoạch đã kết thúc từ lâu nhưng giá cả vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Giá thấp, nhiều hộ nông dân đã quyết định tích trữ cà phê bằng hình thức ký gửi để chờ bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, việc nông dân găm hàng chờ giá cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi vì thời điểm này người dân đã bắt đầu tập trung tưới nước, chăm bón cho vụ cà phê mới. Để có vốn đầu tư, một số gia đình chọn giải pháp vay vốn ngân hàng, như vậy, người dân vừa phải chịu lãi ngân hàng, vừa lo nếu như giá cà phê không tăng lên thì phải chịu thiệt kép.
Giá cả những mặt hàng nông sản có giá trị xuống thấp đã làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, nhất là khi năm hết tết đến. Họ chỉ hy vọng tình trạng giá cả ảm đạm này sẽ nhanh chóng được cải thiện để họ bớt khó.
Ngọc Thắng