Nói không với thịt bẩn
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2016 đến nay, huyện Đăk Hà nỗ lực nói không với thịt bẩn bằng cách nâng cấp, cải tạo khu buôn bán thịt gia súc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng được UBND huyện giao quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh thịt gia súc, thực phẩm tươi sống tại Chợ trung tâm huyện Đăk Hà. Theo đó, từ năm 2016, khu Q kinh doanh hàng thịt gia súc được hình thành.
Sau quá trình vận động, thuyết phục các hộ hiểu được sự cần thiết trong việc buôn bán tập trung, nhằm mục đích kiểm soát chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm, khu Q đã có 59 hộ đăng kinh doanh.
Theo quan sát của chúng tôi, các gian hàng bán thịt trong khu Q được xây dựng bằng nền đá theo từng quầy cố định. Mỗi quầy đều có bảng tên, giấy phép kinh doanh của từng hộ để tiện cho người tiêu dùng trong việc đối chứng nếu xảy ra vấn đề trong quá trong quá trình mua bán.
|
Với nhiệm vụ đảm bảo không cho thịt bẩn tuồn vào chợ, Tổ quản lý chợ thuộc Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh không được bán thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm định. Cùng với đó, Tổ đã bám sát cơ sở giết mổ trước khi chuyển thịt ra chợ.
Anh Hưng - nhân viên của Tổ quản lý cho biết: Hàng ngày, vào khoảng 3-4h sáng, nhóm chúng tôi gồm 6 người, sẽ mở cổng chợ và kiểm soát trực tiếp nguồn thịt cũng như các loại hàng hóa nhập vào. Nếu phát hiện thấy có người lạ đưa thịt hoặc các sản phẩm từ nơi khác đến, không có kiểm định về nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi sẽ báo cáo với thủ trưởng đơn vị và các cơ quan chức năng để xử lý. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh trong khu chợ cũng tự đấu tranh để bảo vệ quyền lợi, nếu thấy người lạ vào chợ buôn bán thịt chưa qua kiểm định sẽ báo cho chúng tôi ngay.
Để đảm bảo được nguồn thịt sạch, toàn bộ gia súc được kiểm tra đầu vào. Gia súc qua kiểm tra nếu không bị nhiễm bệnh mới được đem đến khu chuồng trại. Tại khu chuồng trại, gia súc tiếp tục được nuôi nhốt trong vòng 2-3 ngày, nếu không có biểu hiện bất thường mới đem đến lò giết mổ. Cơ quan chuyên môn sẽ đóng dấu chứng nhận thịt đạt chất lượng an toàn thực phẩm ngay tại lò trước khi được đưa vào trong chợ.
Ngoài Tổ quản lý, huyện thành lập Đội liên ngành, giao cho Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND thị trấn, cùng một số đơn vị chức năng liên quan, thường xuyên đột xuất kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp giết mổ gia súc bên ngoài, không qua kiểm soát. Các hộ kinh doanh muốn giết mổ gia súc đều phải đưa vào lò mổ. Tại đây, có hệ thống camera theo dõi và nhân viên giám sát trong suốt quá trình giết mổ. Những cá nhân nào không tuân thủ sẽ bị xử phạt theo quy định.
Các công đoạn giết mổ gia súc nghiêm ngặt nên người tiêu dùng khi mua thịt tại đây cảm thấy rất yên tâm. Bà Huyền - một khách hàng thường xuyên mua thịt tại chợ chia sẻ: Tôi cảm thấy an tâm khi mua thịt ở đây. Tôi nghĩ, việc kiểm soát được nguồn thịt đã mang lại lợi ích cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng chúng tôi có nguồn thịt sạch để sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình mình. Còn với những người kinh doanh sẽ là cơ hội để họ xây dựng thương hiệu, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng càng cao thì bán được càng nhiều. Và cái lợi nữa của việc kiểm soát được nguồn thịt là góp phần giảm bớt các nguy cơ lây lan bệnh dịch cho gia súc, gia cầm và cả con người.
Ông Hà Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng cho rằng, vấn đề kiểm soát thực phẩm nói chung và thịt nói riêng tại Chợ trung tâm huyện Đăk Hà đã có những bước tiến nhất định. “Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi lơ là, thiếu cảnh giác. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; duy trì công tác đảm bảo vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại chuồng trại và nơi giết mổ gia súc. Ngoài ra, sẽ đề nghị huyện và các ngành chức năng mở rộng khu chợ và đầu tư các hạng mục đã xuống cấp, với phương án xã hội hóa để từng bước cải tạo dần khu vực kinh doanh tại chợ, tránh tình trạng lây nhiễm dịch bệnh chéo do kinh doanh xen lẫn giữa hàng thực phẩm tươi sống, với thực phẩm chín” – ông Cường nói.
Bình An – Tất Thành