Nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra
Không như ở các tỉnh, thành có điều kiện thuận lợi, việc xây dựng NTM ở Kon Tum gặp nhiều khó khăn do mặt bằng nông thôn ở các địa phương trong tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhất là ở các vùng nông thôn vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS.
Thấy được những khó khăn này, trong những qua, được sự quan tâm chỉ đạo của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về việc phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng NTM tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011- 2015, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM các cấp; huy động các nguồn lực xây dựng NTM, phát động phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”; ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM như chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, cà phê chè vùng Đông Trường Sơn, Đề án cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình kinh tế - xã hội thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2014 – 2020 …
|
Theo ông Trần Văn Chương- Phó giám đốc Sở NN&PTNT, với việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đánh giá mới nhất, qua 5 năm (2011 - 2015) thực hiện, tổng nguồn vốn huy động được để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh là 853,445 tỷ đồng, đạt 23,23% so với nhu cầu vốn trong giai đoạn này. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trực tiếp là 194,29 tỷ đồng, vốn lồng ghép là 452,993 tỷ đồng, vốn tín dụng là 146,523 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ 25,634 tỷ đồng và vốn dân tham gia đóng góp là 34,005 tỷ đồng. Bằng việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 86/86 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, phần lớn các thôn, làng có đường bê tông; 83/86 xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện lưới là 97,8%; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 81,8%; tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh là 46,7%; 86 xã có trạm y tế; 70 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, 25 xã có nhà văn hóa, tỷ lệ thôn làng có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn là 50,05%; 86 xã hoàn thành phổ cập THCS, 43 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục; 26 xã đạt chuẩn tiêu chí Quốc gia về y tế...
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng do xuất phát điểm thấp, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3 xã (Hà Mòn, Đăk Mar- huyện Đăk Hà và xã Đoàn Kết - thành phố Kon Tum) đạt chuẩn NTM, 14 xã đạt chuẩn từ 11-17 tiêu chí NTM... Dự kiến đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 11 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, chiếm 12,8% tổng số xã (không đạt so với chỉ tiêu 20% theo Nghị quyết đề ra). Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng NTM.
Cũng theo ông Chương, mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2020 toàn tỉnh có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM. Để đạt các mục tiêu này, nhiệm vụ, giải pháp chính đặt ra là xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020 để làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập người dân. Trong công tác chỉ đạo, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách quyết liệt để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành cơ chế chính sách xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014 - 2020; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng, tập trung phát huy nội lực từ nhân dân để cùng tham gia xây dựng với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”; tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh một số cơ chế chính sách mới để hỗ trợ trong xây dựng NTM như cơ chế huy động nguồn lực...
Văn Nhiên