Niềm vui ở xã đạt chuẩn nông thôn mới Pờ Ê
Vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) vinh dự và vui mừng đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, trở thành xã đầu tiên của Kon Plông về đích. Đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Pờ Ê.
Về Pờ Ê những ngày này, chúng tôi thấy không khí hân hoan ở khắp mọi nơi khi xã vừa đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên những con đường ở các thôn làng rợp cờ hoa; niềm vui, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân.
Anh A Khoan (thôn Vi Pờ Ê) cho biết rất vui và tự hào khi Pờ Ê là xã đầu tiên của huyện Kon Plông được nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Gia đình anh có 4 khẩu với kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào 3 sào mì và 4 sào lúa nên cuộc sống khó khăn, cái nghèo cứ đeo bám bao năm. “Nhưng nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, kỹ thuật chăm sóc cây trồng nên mình đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm 4 sào cà phê xứ lạnh, chăn nuôi 30 con heo nên đến cuối năm 2018 gia đình mình đã thoát nghèo”-anh A Khoan phấn khởi nói.
|
Cùng chung niềm vui đó, gặp chúng tôi, ông A Khanh-Thôn trưởng Vi Ô Lắc vui mừng khoe: Thôn Vi Ô Lắc có 82 hộ dân là dân tộc Hrê thì đến nay cả thôn không còn hộ nghèo. Đặc biệt, thôn đã phát triển được 2 tổ liên kết nuôi heo (3 - 4 hộ dân/tổ, mỗi tổ nuôi trên 40 con). Ngoài ra, bà con trong thôn còn phát triển đàn trâu hơn 100 con. Không chỉ chăn nuôi, hiện nay bà con còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cà phê xứ lạnh, trồng cây dược liệu…nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống đường giao thông nội thôn, đi khu sản xuất được Nhà nước quan tâm đầu tư bê tông hóa khang trang, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại.
Ông Châu Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Pờ Ê cho biết: Năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Pờ Ê chỉ đạt 2/19 tiêu chí (tiêu chí số 1-Quy hoạch và tiêu chí số 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn). Lúc bấy giờ, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã còn thiếu và chưa đồng bộ, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần tuý với trồng mì, trồng lúa và chăn nuôi chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ…Vì vậy, để đạt được kết quả hôm nay là một sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.
|
Theo ông Lâm, đầu tiên, để người dân hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới, xã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ của xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia tích cực của người dân. Trong đó, xã cũng xác định thực hiện các tiêu chí dễ, không cần nhiều nguồn vốn mà người dân có thể tham gia được để triển khai trước, như các tiêu chí về thông tin và truyền thông, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, xã lồng ghép các chương trình, dự án với các nguồn lực huy động từ xã hội, từ đóng góp của nhân dân (kinh phí, ngày công, hiến đất) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong giai đoạn 2010 -2019, toàn xã huy động được trên 38 tỷ đồng, trong đó, đóng góp từ người dân hơn 700 triệu đồng. Đến nay, diện mạo nông thôn của xã Pờ Ê thay đổi rõ rệt với 33,5km đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng được đổ nhựa, bê tông và cứng hóa; cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đạt chuẩn. Có 6/6 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao; xã không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100% và 97,1% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh…
|
Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Pờ Ê tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên như thực hiện dồn đổi ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, sâm dây, đương quy và phát triển chăn nuôi heo, bò, trâu theo mô hình tổ liên kết. Đến nay, xã đã xây dựng được 2 cánh đồng mẫu lớn ở thôn Vi Ô Lắc và thôn Vi Koa; phong trào trồng cà phê, cây dược liệu trong dân phát triển sâu rộng. Xã đã thành lập được gần 10 tổ liên kết nuôi heo tại 6 thôn và thu nhập bình quân đầu người đạt 35,05 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 4,69%...
Ông Châu Văn Lâm cho hay, đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự, dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của xã Pờ Ê. Đây mới chỉ là thành quả bước đầu vì chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, do vậy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Pờ Ê sẽ tiếp tục quyết tâm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tranh thủ mọi nguồn lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đưa xã Pờ Ê trở thành một xã điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông.
Đức Thành