Những mô hình kinh tế hiệu quả ở Tân Lập
Mặc dù điều kiện khí hậu, đất đai không mấy thuận lợi, nhưng trong những năm qua người dân trên địa bàn xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) quyết tâm không chịu đầu hàng với đói nghèo. Không để cái khó “bó” cái khôn, những người nông dân “một nắng hai sương” ở nơi đây mạnh dạn áp dụng nhiều mô hình mới vào phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại thu nhập cao và góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở địa phương...
Một trong những điển hình phát triển kinh tế hộ thời gian gần đây trên địa bàn xã Tân Lập được nhiều người biết đến là mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình bà Trần Thị Linh ở thôn 2. Chỉ với mô hình này, mỗi năm gia đình bà Linh thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sau nhiều lần loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế gia đình với nhiều cách làm khác nhau nhưng không thành công, năm 2014, gia đình bà Linh đã mạnh dạn đầu tư nuôi rắn ráo trâu thương phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn tỉnh ta mà từ trước đến nay chưa ai dám làm. Từ 150 con rắn ráo trâu con ban đầu, hiện nay gia đình bà Linh đã có 250 con; trong đó có 100 rắn sinh sản từ 2 - 3 năm tuổi, mỗi con dài 2 - 3 mét, nặng từ 2,5 kg đến 3 kg. Đó là chưa kể hàng năm gia đình bà Linh xuất bán hàng trăm triệu tiền trứng rắn để làm giống và rắn thương phẩm cho các nhà hàng lớn ở các tỉnh lớn trên cả nước. Kết thúc năm 2017, gia đình bà Linh thu nhập trên 240 triệu đồng chính từ mô hình có một không hai này...
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Đặng Tuấn Vĩnh ở thôn 1 (xã Tân Lập), chàng sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Thể dục - Thể thao của Trường Đại học Qui Nhơn 3 năm nay nhưng vẫn không xin được việc làm. Với suy nghĩ “tốt nghiệp xong đại học rồi thì không thể sống dựa vào gia đình mãi được”, anh Vĩnh quyết định tự thân tìm hướng lập nghiệp. Tận dụng khoảng 500 m2 đất đang trồng bời lời phía sau nhà, anh Vĩnh mua lưới B40 vây lại nuôi heo làng (giống heo của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương). Đây là giống heo địa phương của người đồng bào dân tộc thiểu số, thịt săn, thơm đậm, dai, ngọt, ngon, nhiều nạc mà heo lại ít bị dịch bệnh khác hẳn với các loại heo thông thường khác.
|
Vừa ôm bó rau lang xanh mướt mới hái trong vườn, vừa cho heo ăn, anh Vĩnh vừa chia sẻ với chúng tôi: Nhận thấy từ trước đến nay thị trường rất ưa chuộng thịt heo làng, trong khi đó giá thị trường lúc nào bán cũng cao hơn gấp 4 - 5 lần so với giá giống heo thịt của người Kinh. Chính vì thế, khoảng cuối năm 2015, tôi đã mạnh dạn mua 30 con heo làng về nuôi để phát triển bầy đàn và xuất bán cho các nhà hàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Khi heo nặng khoảng từ 15 kg đến 25 kg là có thể xuất bán được.
Mới cuối tháng 12 này có một nhà hàng ở tận Quảng Nam mua một lần 20 con, với giá bán 100.000 đồng/kg heo hơi. Hơn 1 năm nay, giá hơi heo thường bình quân chỉ ở mức dao động khoảng 27.000 đồng đến 30.000 ngàn đồng/kg thì giá heo làng cao hơn nhiều. Hiện nay giá heo làng đã tăng lên 120.000 đồng/kg và những tuần gần Tết Nguyên đán giá bán chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa mà không đủ heo để cung cấp cho thị trường. Anh Vĩnh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về tiềm năng và những triển vọng của mô hình nuôi heo làng mà anh đang triển khai.
Thức ăn cho heo được anh Vĩnh tận dụng chuối cây, rau, bắp, rau lang, rau muống có sẵn trong vườn để tiết kiệm chi phí và để cho thịt heo săn chắc, ít mỡ, thơm ngon, không làm biến đổi phẩm chất thịt của heo làng... Sau một thời gian cần mẫn, đến nay gia đình anh Vĩnh có “đồng ra, đồng vào” chính là nhờ những con heo làng mà mình bỏ công sức ra chăn nuôi.
Anh Vĩnh cho biết thêm, khoảng thời gian đến Tết Nguyên đán 2018, gia đình anh sẽ có trên 100 con heo làng vì hiện nay có 6 con heo nái đang chuẩn bị “lót ổ”. Nhờ thế, việc chuẩn bị cho cái tết của gia đình cũng ngày càng được tươm tất dần hơn mọi năm...
Ông Lê Văn Đức - Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Lập giới thiệu: Ngoài mô hình làm kinh tế hộ gia đình của bà Trần Thị Linh ở thôn 2 nuôi rắn ráo trâu, mô hình nuôi heo làng của hộ Đặng Tuấn Vĩnh ở thôn 1 thì trên địa bàn xã còn có nhiều gia đình khác mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi khác bước đầu cũng đem lại hiệu quả không kém. Trong đó có nhiều mô hình nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi dê núi... thương phẩm. Đáng chú ý thời gian gần đây trên địa bàn xã cũng có nổi lên một số gia đình trồng dâu, nuôi tằm, lấy kén. Với khát vọng vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu, thời gian qua người nông dân trên địa bàn xã Tân Lập luôn trăn trở, thử nghiệm, tìm kiếm cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mặc dù đất đai, khí hậu không thuận lợi, thiếu vốn đầu tư và cả đầu ra của thị trường tiêu thụ nông sản, thế nhưng với khát vọng, nghị lực bền bỉ, nhiều hộ nông dân ở xã Tân Lập đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính trên mảnh đất quê hương.
Họ - những người nông dân ở xã Tân Lập đang thay nhau viết tiếp câu chuyện làm giàu với nhiều mô hình hay, mới, lạ mà hiệu quả. Điều đáng mừng là, chủ nhân các mô hình đã sẵn sàng hỗ trợ bà con lối xóm trong việc cung ứng nguồn giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và làm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cùng tạo ra những vùng sản xuất quy mô, hiệu quả... Vì thế, tôi tin khát vọng làm giàu của nông dân xã Tân Lập “sẽ lên xanh” chính từ những tấm lòng nhân ái, sẻ chia vì cộng đồng!
Đắc Vinh