Nhìn lại 5 năm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
5 năm qua, tỉnh ta đã có những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư từ thay đổi tư duy đến cách tiếp cận; từ việc tổ chức xúc tiến, quảng bá đến chính sách để thu hút đầu tư. Tỉnh đã tập trung xây dựng 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh để trở thành tâm điểm thu hút đầu tư…
Đột phá từ tư duy đến hành động
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm được tỉnh đặc biệt quan tâm, xem đây là một trong những yếu tố làm thước đo quan trọng, phản ánh mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư của chính quyền cấp tỉnh.
Trước thực trạng điểm số chỉ số PCI của tỉnh nhiều năm liên tiếp đạt được ở mức thấp và tương đối thấp, tỉnh đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh công phu, bài bản với sự vào cuộc đồng loạt từ các sở, ban, ngành có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các tiêu chí của PCI… nhằm tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh ngày càng tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.
Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá cũng được đổi mới, cả về hình thức lẫn nội dung, như tự tìm đến các nhà đầu tư; in ấn các ấn phẩm quảng bá song ngữ cung cấp đầy đủ, xác thực, kịp thời về chủ trương, định hướng, danh mục dự án FDI, ODA tại các diễn đàn, hội nghị do tỉnh tổ chức, tại các hội nghị khu vực và trong các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các tỉnh trong khu vực.
|
Với hợp tác đa phương, tỉnh đã tăng cường giao lưu, đối thoại với các tỉnh thuộc khu vực CLV (Campuchia- Lào- Việt Nam) nhằm nỗ lực xây dựng một cơ chế liên kết tiểu vùng. Đặc biệt, tỉnh đã khởi xướng và đề ra sáng kiến hợp tác phát triển các địa phương ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan với điểm nhấn là hai cặp cửa khẩu Vang Tao (Champasak, Lào)- Chong Mek (UBon Ratchathani, Thái Lan); Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) - Phu Cưa (Attapư, Lào) hướng đến các cảng biển của Việt Nam thông qua việc tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Champasak, Sê Kông, Attapư (Lào); Bình Định, Quảng Ngãi (Việt Nam) vào tháng 11/2011; Hội nghị hợp tác phát triển các địa phương Việt Nam, Lào, Thái Lan vào tháng 4/2015; hợp tác song phương với các tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào); tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và Ubon Ratchathani (Thái Lan) nhằm tận dụng sự thuận lợi về vị trí địa lý và sự tương đồng về lợi thế, tiềm năng giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trên để thúc đẩy hợp tác tại các lĩnh vực ưu tiên là xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...
Về cơ bản, bước đầu tỉnh đã quảng bá hình ảnh, tiềm năng và lợi thế, các dự án trọng tâm thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư có tâm huyết, tiềm lực lớn trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn Big C, Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Gur Sung Hàn Quốc...
Thu hút đầu tư, phát triển 3 vùng kinh tế động lực
Dựa vào tiềm năng và thế mạnh đặc trưng của từng vùng, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Nhìn chung, 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư và đã có tác động nhất định, lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương khác trên địa bàn.
Tính chung toàn tỉnh đến tháng 6/2015, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 170 dự án, trong đó, có 158 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 37.851,196 tỷ đồng trên diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 62.600ha, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: trồng cao su; thủy điện; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; nuôi bò, nuôi dê sữa, rau hoa xứ lạnh và các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đây là một thành công lớn của tỉnh trong thu hút đầu tư, trong đó có một số dự án đầu tư có quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao.
Về vùng kinh tế động lực TP Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Hòa Bình, thời gian qua, TP Kon Tum đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển để trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh; ưu tiên dành quỹ đất cho đầu tư xây dựng phát triển nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin liên lạc, khách sạn, nhà hàng... nhằm qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố Kon Tum đã đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới).
Hiện nay, tại Khu công nghiệp Hòa Bình đã có 30 đơn vị đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với diện tích gần 60ha, tổng vốn đăng ký trên 488 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.485 lao động tại khu công nghiệp. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp này được đầu tư theo hướng hoàn chỉnh hơn; nhiều lĩnh vực, ngành nghề như chế biến lâm sản, sản xuất đá granit, đồ may mặc, gạch block, bia và nước ngọt… phát triển nhanh. Trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP May Nhà bè, Công ty CP Xuất nhập khẩu và đầu tư Kon Tum, Công ty TNHH MTV Ngọc Thy, Công ty TNHH An Phước... đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 1.000 lao động... Bước đầu, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Bình đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 10 tỷ đồng/năm.
Vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi trong sự giao lưu phát triển với các vùng trọng điểm trong nước, các nước trong khu vực và quốc tế; là trung tâm trong tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương.
Thời gian qua, huyện Ngọc hồi có bước đột phá tập trung vào thế mạnh của địa phương về dịch vụ và công nghiệp đã tạo được sự chuyển biến rất rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2013; nhiều loại hình dịch vụ chất lượng như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin liên lạc, khách sạn, nhà hàng… đang có chiều hướng phát triển nhanh. Thị trấn Plei Kần mở rộng đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Huyện đang triển khai xây dựng phương án chia tách thị trấn Plei Kần và 4 thôn của xã Đăk Xú để thành lập 4 phường, tiến tới thành lập thị xã Ngọc Hồi.
Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến nay đã triển khai thực hiện 52 dự án với tổng số vốn được duyệt trên 1.900 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nội bộ, điện, nước và khu kiểm soát cửa khẩu…; thu hút 40 dự án đăng ký đầu tư sản xuất với tổng số vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án đã đi vào hoạt động và 14 dự án đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn có 13 dự án xây dựng văn phòng làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động.
Vùng kinh tế động lực Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 5/2/2013 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030; tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển rau-hoa-quả và các loại cây trồng gắn với du lịch sinh thái huyện Kon Plông đến năm 2015, quy mô 1.392ha.
Huyện đã thu hút đầu tư nhiều dự án. Đến nay, đã có 12/30 dự án đang triển khai với tổng vốn thực hiện 21,8 tỷ đồng/359 tỷ đồng vốn đăng ký. Trong đó, nổi bật nhất là Dự án nông trại hữu cơ của Hàn Quốc; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty CP Tập đoàn VinGroup; Dự án phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen; các dự án nuôi cá tầm, rau hoa xứ lạnh… Các dự án này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Khả quan trong tương lai, vùng kinh tế động lực Kon Plông sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm du lịch của Măng Đen là những sản phẩm đặc thù, có thương hiệu riêng thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, liên kết thuận lợi với các tour du lịch trong nước và quốc tế...
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Với phương châm hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước gia nhập thị trường, công tác cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua được tỉnh hết sức chú trọng. Các thủ tục hành chính ngày càng được các ngành chức năng đơn giản hóa, rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo lực hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa bàn.
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo. Nhờ đó, đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể nói, 5 năm qua là một giai đoạn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Tỉnh đã tỏ rõ quyết tâm thể hiện qua sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược mà Trung ương đề ra: quyết tâm cải cách hành chính, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương; xây dựng các quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng; đổi mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức và có kế hoạch lâu dài phát triển nguồn nhân lực. Và đây cũng chính là nền tảng để Kon Tum xác định thu hút đầu tư là một trong những nguồn lực quan trọng, tạo ra sức bật trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh trong giai đoạn mới, nhằm bắt kịp nhịp phát triển với các tỉnh trong khu vực.
Dương Lê