Nhập nhằng thực phẩm sạch – bẩn
Mua thực phẩm sạch ở đâu? Dấu hiệu nào để nhận biết thực phẩm sạch - thực phẩm bẩn? Ai đảm bảo thực phẩm đó an toàn?... dường như đó vẫn là những câu hỏi khó với người tiêu dùng. Căn nguyên cũng bởi sự nhập nhằng của thực phẩm sạch - bẩn khiến người tiêu dùng mất niềm tin và sự chồng chéo trong quản lý đã tạo ra những kẻ hở để thực phẩm bẩn tồn tại...
Khủng hoảng niềm tin về chất lượng thực phẩm
Mỗi ngày, trên các phương thông tin đại chúng, hàng loạt những thông tin về việc các cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm, nào là thịt heo, bò bị bơm nước, chứa chất cấm; rau củ nhúng thuốc, trái cây tẩm hóa chất; rồi thịt, rau quả bẩn được đưa vào các siêu thị, cửa hàng và gắn mác an toàn; thực phẩm ôi thiu, không đạt chất lượng được “phù phép” thành thực phẩm tươi ngon nhằm đánh lừa khách hàng. Sự nhập nhằng giữa thực phẩm sạch và bẩn trên thị trường khiến người tiêu dùng càng trở nên hoang mang, mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm.
|
Đáng chú ý nhất phải kể đến mặt hàng rau củ quả. Trước đủ loại rau, củ, quả, các bà nội trợ thật khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái khi mà bề ngoài của các sản phẩm này không có gì để phân biệt được là rau an toàn hay không an toàn. Rau củ quả được bày bán tại những cửa hàng rau an toàn cũng chẳng khác gì so với những mặt hàng bán tại các sạp rau, quả trong chợ, ngoài lề đường, duy chỉ có duy nhất khác là giá cả. Chính vì thế, người dân đang bị khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm.
Vì người tiêu dùng thiếu niềm tin nên rau củ VietGAP làm ra khó cạnh tranh với rau sản xuất thông thường. Đó là nguyên nhân khiến người nông dân không thiết tha và thiếu tự tin để sản xuất thực phẩm sạch. Bởi theo những hộ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), trồng rau theo quy trình VietGAP rất vất vả, ghi chép nhật ký hàng ngày, lựa chọn, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng chuẩn nên giá thành sản phẩm cao. Thế nhưng, phần lớn lượng rau nông dân sản xuất ra vẫn phải bán cho thương lái, người bán lẻ ngoài chợ với giá như rau bình thường. Do vậy, rất khó để các hộ có thể mở rộng quy mô.
Bên cạnh rau củ, các mặt hàng thịt, cá cũng nằm trong top thực phẩm làm khó người tiêu dùng. Bằng cảm quan rất khó để nhận biết được đâu là thịt sạch, an toàn với thịt có sử dụng chất cấm, thịt bị bơm nước hay hải sản có sử dụng urê để ướp hay không.
Chị Huệ (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi thấy hàng hoá ở chợ, trong cửa hàng hay siêu thị nhìn bên ngoài đều giống hệt nhau nên đâu có gì đảm bảo là sạch, là an toàn với không sạch đâu. Nói thật, bây giờ đến tem nhãn người ta còn làm giả được thì sao mà tin được, thôi thì nếu không thể tìm mua được những nguồn thực phẩm mà mình tạm coi tin tưởng như từ bà con, người quen thì đành phải chấp nhận mua ở chợ với sự may rủi.
Chồng chéo quản lý và những kẽ hở
Hiện nay, có tới 3 ngành cùng quản lý thực phẩm là Công thương, Nông nghiệp và Y tế. Mặc dù mỗi cơ quan quản lý một số công đoạn, lĩnh vực, tuy nhiên chính điều này cũng tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo.
Chỉ đơn giản như đối với mặt hàng bún. Theo quy định, việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 ngành chịu trách nhiệm, nguyên liệu làm bún là gạo thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp quản lý, sản phẩm tinh bột do ngành Công thương quản lý, nhưng bún làm ra bán cho người tiêu dùng nếu có sử dụng phụ gia, các loại hoá chất thì lại liên quan tới ngành Y tế.
Hoặc chỉ đơn giản như chiếc bánh Trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành Công thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành Nông nghiệp kiểm soát, còn ngành Y tế quản lý phụ gia phẩm màu.
Hay như mặt hàng thuỷ hải sản, quá trình sản xuất, đưa ra thị trường thuộc ngành Nông nghiệp quản lý, còn thực phẩm sau khi chế biến thì lại là trách nhiệm của ngành Y tế... Rất nhiều mặt hàng thực phẩm khác đều trong tình cảnh tương tự.
Từ thực tế cho thấy, thực phẩm từ khi là vật nuôi, cây trồng cho đến khi là thức ăn được phân thành nhiều khâu, nhiều công đoạn quản lý, kiểm soát nên rất khó để phân định được khâu nào an toàn, khâu nào thiếu an toàn.
Mặt khác, hàng loạt các chứng nhận chất lượng, phương thức quản lý được các hội, ngành, cơ quan chức năng lập ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có một tiêu chuẩn chung, làm giảm lòng tin của người dân vào thực phẩm an toàn.
Có thể nói, người dân dường như đang bị “nhiễu loạn” trước thị trường thực phẩm vì không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Việc làm sao để trở thành người tiêu dùng thông minh thực sự vẫn là một thách thức với người dân.
Thiên Hương