Người trồng cao su phấn khởi vào vụ mới
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu bước vào vụ khai thác mủ cao su mới. Điều đáng mừng là giá mủ đang ở ngưỡng tương đối cao giúp người dân phấn khởi để bước vào vụ mới.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, mưa sớm hơn đã tạo thuận lợi cho cây cao su phát triển đủ tán lá sớm. Vì vậy, người dân trên địa bàn tỉnh cũng bước vào vụ cạo mủ sớm hơn thường lệ. Không chỉ vui vì được khai thác sớm, niềm vui của người trồng cao su còn được nhân lên khi vừa bước vào vụ mới, giá mủ đã tương đối cao.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, hiện tại, giá mủ cao su trên địa bàn tỉnh đang được thu mua ở mức 280- 290 đồng/độ, tương đương với mức giá 12.100 đồng/kg đối với mủ chén khô, 11.000 đồng/kg đối với mủ đông khô, 9.800đồng/kg đối với mủ đông nước.
|
Với mức giá này, theo tính toán của người nông dân, cứ 1ha cao su đang trong giai đoạn khai thác ổn định, bình quân mỗi lần cạo thu được từ 50 – 55kg mủ, trừ tiền nhân công, người nông dân cũng có lời từ 300.000 – 350.000 đồng/ha. Nếu người trồng tự khai thác theo kiểu lấy công làm lời thì mỗi lần cạo thu được khoảng 450.000 – 500.000 đồng.
Như vậy, với cách khai thác D2 (tức là 1 ngày cạo, 1 ngày nghỉ) thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí như thuê nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt mối, dụng cụ..., bình quân mỗi tháng, người nông dân thu lời từ 3,5 - 4 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Vọng (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Thời gian trước, dù có lúc giá mủ cao su xuống thấp, nhưng thực tế vườn cây 2ha vẫn giúp gia đình tôi có nguồn thu ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nếu chịu khó bỏ công làm lời, thì mỗi héc ta tôi cũng thu về được 300.000– 400.000 đồng/lần cạo. Từ năm ngoái đến năm nay, giá mủ có chiều hướng ấm dần lên, tuy không thể so với thời kỳ “hoàng kim” trước đây, nhưng nếu duy trì được như thế này là đã tốt lắm rồi. Tôi tính, mỗi ngày cạo tôi thu về trên 1 triệu đồng, mỗi tháng vườn cây cho thu 15 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí rồi so với nhiều loại cây trồng khác cây cao su vẫn “ăn đứt”.
Thời gian trước, giá mủ cao su xuống thấp đã khiến người trồng cao su trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Không ít người trồng vì hoang mang, thiếu niềm tin nên đã chặt bỏ vườn cây, tuy nhiên, con số này không đáng kể, còn lại đa số nông dân vẫn kiên trì giữ lại vườn cây. Và hiện nay, khi giá mủ cao su phục hồi lại giúp cho người nông dân có nguồn thu đảm bảo.
Trên thực tế, dù trải qua không ít những thăng trầm, nhưng có thể nói cao su vẫn là một trong những loại cây trồng được đánh giá là giúp nông dân thoát nghèo, có chỗ đứng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp tỉnh ta.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, diện tích cây cao su toàn tỉnh hiện có là 74.756ha. Vài năm trở lại đây, tuy diện tích cây cao su không tăng mạnh nhưng vẫn đều đều được mở rộng qua mỗi năm cho thấy người dân vẫn tin tưởng vào lợi ích kinh tế mà loại cây trồng này mang lại.
Hy vọng rằng, thị trường cao su tiếp tục có những diễn biến tốt đẹp để người nông dân được hưởng niềm vui trọn vẹn của mùa khai thác năm nay.
Ngọc Thắng