Người dân Rờ Kơi hiến đất xây dựng nông thôn mới
Rờ Kơi là một trong 2 xã biên giới của huyện Sa Thầy. Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, dù mới chỉ đạt được 6/19 tiêu chí nhưng có một điều đáng khen ngợi ở xã biên giới đặc biệt khó khăn này là nhiều hộ dân nơi đây đã tự nguyện hiến cả trăm mét đất để xây trường, làm đường…
Thật ấn tượng với cách gọi vui của bà con dân làng thôn Đăk Tang (xã Rờ Kơi) về con đường nội thôn và ngôi trường mầm non đang được xây dựng trên địa bàn, đó là “đường ông Nhất” và “trường bà Mãi”.
Anh Đinh Văn Trực - Thôn trưởng thôn Đăk Tang giải thích: Bà con gọi như vậy là vì quý mến tấm lòng của bà Mãi và anh Nhất – 2 hộ dân trong thôn đã tình nguyện hiến hàng trăm mét đất để xây trường, làm đường.
|
Ngày mưa, nhưng người dân ở thôn Đăk Tang vẫn tất bật với ruộng rẫy. Có hẹn với chúng tôi nên thôn trưởng Đinh Văn Trực mới sắp xếp ở nhà. Bên ấm trà nóng, với tâm trạng dạt dào cảm xúc, anh Trực đã kể cho chúng tôi câu chuyện về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn.
Hớp ly trà nóng, anh Trực cho biết: Chỉ mới đầu năm đây thôi, khi nhận được chủ trương triển khai làm trường mầm non, thôn đã tổ chức họp dân mấy đợt để chọn ra địa điểm thuận lợi nhất để xây trường. Vị trí khuôn đất được bà con trong thôn thống nhất chọn lựa rơi vào đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mãi – người dân trong thôn.
“May mắn của thôn là khi đề cập việc hiến đất để xây trường, gia đình bà Mãi đã đồng ý ngay; vì lâu nay, cũng như bao người dân trong thôn, bà rất mong mỏi có được một ngôi trường mầm non trên địa bàn để các cháu nhỏ trong thôn không phải ra đến tận trường mầm non trung tâm xã - cách thôn 8km để học. Không chờ thôn nhắc nhở, bà Mãi đã nhanh chóng nhổ mỳ, bàn giao 400m2 diện tích mặt bằng để đơn vị thi công xuống móng...” - anh Trực kể.
Thế nhưng, câu chuyện hiến đất để xây trường của bà Mãi chưa đến hồi kết. Bởi sau khi xuống móng ngôi trường mầm non được vài ngày thì thôn tiếp tục nhận được chủ trương đầu tư làm đường nội thôn trên địa bàn. Con đường đi qua rẫy mỳ nhà bà Mãi và người phụ nữ này lại một lần nữa tình nguyện hiến thêm hơn 300m2 đất để làm đường.
Cùng với bà Mãi, ở thôn Đăk Tang còn có anh Vũ Anh Nhất cũng đã tình nguyện hiến thửa đất đang trồng cà phê của gia đình mình với diện tích 550m2 để mở con đường nội thôn với tổng chiều dài 240m.
Đứng bên mảnh vườn cà phê sát bên con đường nội thôn Đăk Tang mới được thi công từ tháng 11/2016, anh Vũ Anh Nhất bộc bạch: Lâu nay con đường nội thôn rất hẹp, chỉ là con đường mòn nhỏ, khó khăn cho bà con trong vùng đi lại. Được Nhà nước hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đầu tư con đường nên bản thân tôi không thể tiếc hơn trăm gốc cà phê mà làm cản trở tiến độ thi công con đường. Hơn nữa, có được con đường làng rộng thênh thang, xe chở hàng nông sản có thể vào tận nơi thì không ai khác, chính gia đình tôi và những người dân nơi đây là những người được hưởng lợi.
Cùng với anh Vũ Anh Nhất và bà Nguyễn Thị Mãi, mới đây, khi được thôn triển khai kế hoạch làm nhà văn hóa thôn, ông Đinh Sáng, Ngô Minh Trung… cũng đã đăng ký hiến hàng trăm mét đất xây dựng công trình…
Là thôn mới được chia tách và thành lập 2 năm nay với hơn 80% dân số là đồng bào DTTS, bà con nhân dân vùng biên nơi đây đang cố gắng đóng góp những gì trong khả năng có thể để xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Vì vậy, mỗi khi thôn tổ chức hội họp ở khu dân cư để tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới, mọi người dân đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, do cuộc sống bà con trong vùng còn khó khăn nên chưa thể đóng góp tiền mà mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất, góp ngày công lao động – Thôn trưởng Đinh Văn Trực cho tôi biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi – A Theng cho biết, kể từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, cùng với Đăk Tang, bà con nhân dân 5 thôn còn lại trên địa bàn xã cũng đã hiến hàng trăm mét đất và hàng ngàn công lao động để mở rộng, bê tông hóa đường nội thôn. Kết quả là, nếu như trước đây, các đường nội thôn trên địa bàn xã rất hẹp, chỉ từ 1,5-2,5m thì đến nay, các tuyến đường nội thôn đều đã được mở rộng từ 4-5m. Hiện, toàn xã đã bê tông hóa đạt 40,5% đường nội thôn, cụ thể: thôn Ya Xiêng 1,1km, thôn Kram 2,2km, thôn Rờ Kơi 1,8km, thôn Đăk Đe 3,5km, thôn Khúc Long 3,5km; 17,9% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Xã đang phấn đấu đến năm 2018 sẽ đạt tiêu chí về giao thông nông thôn.
Ngoài 6 tiêu chí đã đạt được so với bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (thủy lợi, điện, chợ, bưu điện, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội đảm bảo), Rờ Kơi đang tập trung sức lực để sớm đạt thêm một số tiêu chí về quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa, y tế, trường học…
Là địa phương có điểm xuất phát thấp nhưng phải thực hiện khối lượng công việc lớn, đa dạng như chương trình xây dựng nông thôn mới quả là hết sức khó khăn và áp lực với xã biên giới Rờ Kơi. Thế nhưng, với quyết tâm xây dựng vùng biên ngày một khởi sắc, Rờ Kơi đang nỗ lực hết sức mình để vận động nhân dân nâng cao ý thức chung tay xây dựng nông thôn mới; huy động và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 đưa xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Tú Quyên