Ngọc Réo tập trung giảm nghèo
Năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) đã đạt 101% kế hoạch giảm nghèo đề ra. Kết quả đạt được thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đặc biệt khó khăn này.
“Khó nhưng vẫn phải quyết tâm”
Những ngày đầu xuân, thật phấn khởi khi được nghe Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Réo Đinh Văn Phát mở đầu bằng câu chuyện giảm nghèo và những thành tích vượt bậc mà xã đặc biệt khó khăn này đã đạt được.
Bí thư Đảng ủy Đinh Văn Phát chia sẻ: Thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ xã Ngọc Réo nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 22%; vì vậy, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,17%. Tuy nhiên, theo tiêu chí nghèo đa chiều, cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 54,54%, hộ cận nghèo chiếm 18,34%. Điều đó đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Réo "bài toán khó" về công tác giảm nghèo.
Triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020), Đảng bộ xã Ngọc Réo vẫn quyết tâm trong giai đoạn 2016-2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,17% theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã đề ra.
|
Cùng với việc xác định rõ các nhóm giải pháp tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và các nhóm giải pháp tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo; trong năm 2016, xã Ngọc Réo đã giúp được 66 hộ thoát nghèo, đạt 101% kế hoạch đề ra… Theo Bí thư Đảng ủy Đinh Văn Phát, kết quả này sẽ là động lực để Ngọc Réo tiếp tục phát huy trong những năm tới.
Để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và từng đối tượng hộ nghèo; trong đó ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình có đất sản xuất, có sức lao động và ý thức vươn lên thoát nghèo trước; rà soát quỹ đất để phát triển sản xuất phù hợp; vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn tín dụng ưu đãi để nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả…
Bên cạnh đó, Đảng ủy phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với những hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo để thấy rõ việc thực hiện công tác giảm nghèo là phục vụ cho chính quyền lợi của họ, từ đó nâng cao ý thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Trong công tác tuyên truyền, Đảng ủy quán triệt tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà phải biết phát huy nội lực…
Phấn khởi Kon Jong
Nhờ triển khai làm tốt công tác giảm nghèo, thôn Kon Jong (xã Ngọc Réo) đã giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo; cả thôn còn 11% hộ nghèo (9 hộ nghèo).
A Lát - Bí thư chi bộ thôn Kon Jong cho biết: Cùng với việc làm tốt công tác phân công đảng viên hộ, nhóm hộ, chi bộ cùng với ban nhân dân, mặt trận và các đoàn thể của thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững về chủ trương, chính sách giảm nghèo; từ đó người dân phát huy nội lực, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; vận động các hộ có thu nhập khá trở lên chia sẻ, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Thông qua các chương trình hỗ trợ giảm nghèo và việc giúp đỡ, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, đến nay, toàn thôn Kon Jong đã phát triển được 77ha cao su, hầu hết các hộ gia đình đều có diện tích trồng cao su. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn còn phát triển được 42ha bời lời, 18ha cà phê, 12ha lúa nước, 54ha mì… Không chỉ giảm tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của thôn cũng nâng lên 17 triệu đồng/năm.
Anh A Đến – 1 trong 4 hộ dân thôn Kon Jong vừa mới được công nhận thoát nghèo năm 2016 chia sẻ: Trước đây, cuộc sống gia đình nghèo lắm, vì không biết cách làm ăn và cũng không mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Năm 2011, gia đình được Nhà nước hỗ trợ trồng 0,5ha cao su xen mì để lấy ngắn nuôi dài. Năm 2014-2015, được sự động viên của Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ, gia đình đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 2 con bò sinh sản về nuôi và đến nay đã phát triển đàn bò được 3 con; phục hóa đất bỏ hoang để trồng thêm 5 sào bời lời, 2,5 sào lúa. Bây giờ, đã thoát nghèo và vợ chồng mình phải cố gắng hơn nữa để không tái nghèo, vươn lên làm giàu.
Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng với cách nghĩ, cách làm và việc nâng cao ý thức của người dân, hy vọng đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, Ngọc Réo sẽ đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra.
Tú Quyên