Ngăn chặn việc xâm hại rừng
Trước tình hình vi phạm lâm luật có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, truy quét các “điểm nóng” bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Phương án), lực lượng kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu các cấp chính quyền kiện toàn Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng các cấp và Tổ công tác đặc biệt ở cấp huyện, xã.
Có thể nói, về mặt tổ chức, việc thực hiện Phương án được triển khai có hệ thống và chặt chẽ từ trên xuống dưới. Công tác quản lý bảo vệ rừng còn được thực hiện dựa trên sự chỉ đạo quyết liệt theo Kết luận số 04- KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật; Kế hoạch số 2471/KH-UBND ngày 12/10/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
|
Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện Phương án còn có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở các hành vi khai thác, cất giấu, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Nếu như việc phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô này, toàn tỉnh bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy gây thiệt hại về rừng, thì việc ngăn chặn khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, ngược lại còn có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong quý I/2017, toàn tỉnh phát hiện 165 vụ vi phạm lâm luật (tăng 41 vụ so với cùng kỳ năm ngoái) với khối lượng gỗ nằm trong các vụ vi phạm phải xử lý gần 1.350m3 gỗ quy tròn các loại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Điều này cho thấy sự quyết tâm của các lực lượng trong việc ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước.
Song, điều này cũng cho thấy, nhiều chủ rừng sự quản lý chưa chặt chẽ, nhất là các chủ rừng như Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy... còn để xảy ra nhiều vụ vi phạm và có khối lượng gỗ tang vật lớn.
Vẫn biết rừng được giao cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia quản lý rộng lớn, nhưng kinh phí và nguồn nhân lực được giao cho các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, quyền lực còn hạn chế, trong khi các đối tượng vi phạm liều lĩnh, manh động, thường xuyên mua chuộc, đe dọa và sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ khi bị ngăn chặn. Việc quản lý bảo vệ rừng là công việc đầy cam go và phức tạp. Tuy nhiên, nếu các chủ rừng tăng cường bám rừng, biết phối chặt chẽ với các ngành thì vẫn hạn chế được tình hình vi phạm lâm luật.
Trước những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tại Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tỉnh được tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các chủ rừng và các lực lượng tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các “điểm nóng” thường xảy ra các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng bản đồ “điểm nóng” theo từng địa bàn, tiểu khu để theo dõi, tuần tra, truy quét; tham mưu điều chỉnh Phương án quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế hiện nay.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để tuần tra, truy quét; quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; rà soát, kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng… thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chủ động phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng; quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất nương rẫy...
Dốc sức thực hiện trách nhiệm và đẩy mạnh công tác tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép, chúng ta sẽ bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Văn Nhiên