Nâng cao hiệu quả việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
Việc triển khai các mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp là hướng đi để ngành chăn nuôi phát triển và góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn tạo ra nguồn hàng hóa quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhận thức được vai trò của chăn nuôi, trong những năm qua, tỉnh ta có nhiều chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi như tạo điều kiện cho người dân vay vốn, hỗ trợ con giống, xây dựng các mô hình, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại, ứng dụng nghệ cao vào sản xuất…
|
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù trong năm vừa qua, việc chăn nuôi gặp những bất lợi như giá gia súc, gia cầm xuống thấp tác động xấu đến việc phát triển chăn nuôi của người dân, nhưng tình hình chăn nuôi trong tỉnh vẫn có bước phát triển khá. Trong năm 2017, đàn trâu có 32.700 con, đàn bò 61.645 con, đàn heo 131.795 con, đàn gia cầm 735.929 con, đàn dê 14.947 con… Chăn nuôi giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập khá và cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.
Trong việc phát triển chăn nuôi, việc thực hiện phương án cải tạo đàn bò địa phương có những chuyển biến tích cực. Trong năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cử 13 người đi học lớp đào tạo dẫn tinh viên, mở 10 lớp tập huấn cho nông dân có bò cái nền tham gia Phương án cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và cung cấp dụng cụ, vật tư cho các huyện, thành phố thụ tinh nhân tạo cho bò. Theo đó, các dẫn tinh viên phối giống được 723 con bò và qua đó có 115 con bê lai được ra đời. Bê lai ra đời đều khỏe mạnh, có vóc dáng cao to…được người dân đánh giá cao.
Cũng trong việc phát triển chăn nuôi, mô hình vỗ béo bò (nuôi theo hình thức bán công nghiệp); chăn nuôi heo, dê, gà, vịt…theo hình thức trang trại ngày càng nhiều. Các mô hình này giúp dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, có những thời điểm đầu ra không ổn định, giá bán thấp hơn giá thành đã làm người chăn nuôi gặp khó. Việc phát triển chăn nuôi ở địa phương đang rất cần doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Việc phòng chống bệnh tật cho gia súc, gia cầm trong thời gian qua ở tỉnh ta có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi và hình thức chăn nuôi của người dân chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, nên việc phòng chống dịch bệnh gặp khó khăn. Bệnh lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm…vẫn thường xảy ra trong những thời điểm giao mùa. Mặc dù các ổ dịch xảy ra được kịp thời dập tắt, không lan ra diện rộng, nhưng ít nhiều cũng gây khó khăn và thiệt hại cho người chăn nuôi.
|
Theo ông Phạm Ngọc Hiếu, để góp phần nâng cao hiệu quả việc phát triển chăn nuôi và thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi Viet Gap; tiếp tục triển khai Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, Chi cục xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn về công tác chăn nuôi cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh; tham mưu các sở, ngành của tỉnh khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi của tỉnh.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chú trọng công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch; thực hiện tốt các đợt tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh…
Văn Nhiên